Là quốc gia ASEAN thứ hai công bố kết quả kinh tế quý 3/2022, tăng trưởng GDP của Singapore cao hay thấp so với Việt Nam?
Sau Việt Nam, mới đây, Singapore là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý 3/2022.
Theo thông tin từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), GDP Singapore trong quý 3/2022 ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021, giảm tốc so với mức tăng trưởng 4,5% của quý 2/2022.
Trên cơ sở điều chỉnh theo quý, nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng 1,5%, đảo ngược mức giảm 0,2% trong quý 2.
Theo đó, kết quả tăng trưởng quý 3 của Singapore được dẫn dắt bởi sự thay đổi trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Cụ thể, sản lượng trong lĩnh vực dịch vụ tăng 2,5% trong quý 3/2022 nhờ việc nới lỏng các hạn chế của Covid-19, phản ánh qua mức tăng trong lĩnh vực thương mại bán lẻ và vận tải.
Trong số các lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ, vận chuyển và lưu trữ trong quý 3/2022 cùng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn mức tăng 2,9% của quý 2/2022.
Sự tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại bán buôn chủ yếu được thúc đẩy bởi phân khúc máy móc, thiết bị và vật tư do hoạt động linh hoạt của khối lượng xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore. Trong khi đó, tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại bán lẻ và vận chuyển & lưu trữ được hỗ trợ một phần bởi kết quả thấp của quý 3/2021 do các hạn chế bởi đại dịch Covid-19.
Trong quý 3/2022, nhóm các ngành dịch vụ còn lại (gồm dịch vụ lưu trú - ăn uống, bất động sản, dịch vụ hành chính - hỗ trợ và các ngành dịch vụ khác) tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn mức tăng 7,6% của quý trước. Hầu hết các lĩnh vực trong nhóm đều cải thiện nhờ các hoạt động trong các lĩnh vực này tiếp tục được hỗ trợ bởi việc dỡ bỏ các hạn chế trong nước. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 3,9% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ nhờ việc nới lỏng các hạn chế đối với lao động nhập cư.
Trên cơ sở đó, MTI ước tính, tăng trưởng GDP của Singapore dự kiến đạt 3–4% vào năm 2022 và sẽ giảm dần vào năm 2023.
Trước đó, đầu tháng 10, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 3/2022 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 3/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Báo cáo lý giải, lý do GDP quý 3/2022 tăng cao bởi quý 3/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về sử dụng GDP quý 3/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Trong khi đó tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.