Là nền kinh tế lớn duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng bất chấp đại dịch, các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đua mở rộng đầu tư vào Việt Nam

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 12:14:50

Các tập đoàn đa quốc gia như Central Retail, Aeon, Lotte Mart thời gian qua đã liên tục mở rộng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với nhiều nhà bán lẻ trong nước.


Theo Nikkei Asia, tập đoàn bán lẻ Central Retail của Thái Lan có kế hoạch tăng gấp đôi “dấu chân” của mình tại Việt Nam, qua đó tham gia vào hàng ngũ các công ty bán lẻ đa quốc gia mở rộng sự hiện diện của họ tại một thị trường đầy hứa hẹn với biên độ tăng trưởng rộng.

Chi nhánh bán lẻ chính thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan gần đây đã tiết lộ kế hoạch chi 30 tỷ baht (790 triệu USD) để mở rộng mạng lưới của mình từ khoảng 340 cửa hàng ở hiện tại lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026.

"Chúng tôi luôn đặt mình vào cuộc sống của người tiêu dùng", Olivier Langlet, Giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam chia sẻ với Nikkei Asia, đồng thời cho biết công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ baht vào năm 2026.

Ảnh: Nikkei Asia

Kể từ khi Central Retail lần đầu đổ bộ vào Việt Nam năm 2012, hoạt động kinh doanh bán lẻ đã phát triển ổn định, mang về doanh thu 38,6 tỷ baht trong năm ngoái, chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu công ty. Việt Nam là thị trường kiếm về nhiều tiền nhất về cho doanh nghiệp bên ngoài thị trường Thái Lan.

Đến năm 2026, các cửa hàng của Central Retail tại Việt Nam sẽ cung cấp nhiều hình thức bán cả thực phẩm và phi thực phẩm. Ông Langlet cho hay Central Retail đang có kế hoạch phủ sóng tại 55/63 tỉnh thành của nước ta trong vòng 5 năm tới.

Nhà bán lẻ đến từ Thái Lan phát huy sức mạnh của mình bằng cách giới thiệu 10 thương hiệu tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả Go! và các chuỗi siêu thị Tops. Tập đoàn dự đoán sự hợp lực thúc đẩy doanh thu cho các trung tâm mua sắm trong danh mục đầu tư của mình sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều thương hiệu Central Retail làm khách thuê.

Theo ông Langlet, trong 5 năm tới, Central Retail dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi số lượng đại siêu thị tại Việt Nam lên hơn 70 đại siêu thị. Các cửa hàng này có diện tích từ 4.000 đến 7.000 m2.

Tuy nhiên, Central Retail không phải doanh nghiệp nước ngoài duy nhất để mắt tới thị trường Việt.


Gã khổng lồ bán lẻ Aeon của Nhật Bản cũng có kế hoạch sẽ mở khoảng 100 siêu thị ở Việt Nam vào năm 2025. Thế mạnh của công ty là ở các trung tâm mua sắm và nhiều siêu thị của tập đoàn, có quy mô khoảng 300 m2. Các địa điểm mới sẽ có diện tích từ 500 m2 trở lên, và Aeon sẽ tạo sự khác biệt với dòng sản phẩm tươi sống cũng như sản xuất sẵn được áp dụng theo bí quyết của Nhật Bản.

Ảnh: Nikkei Asia


Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte của Hàn Quốc, vốn có thế mạnh trong việc vận hành các trung tâm mua sắm đô thị lớn, có kế hoạch mở thêm Lotte Mart tại Việt Nam. Tập đoàn Lotte từng coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm thứ ba sau Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng tập đoàn này đã rút khỏi Trung Quốc vì ảnh hưởng địa chính trị và nâng thị trường Việt Nam lên vị trí thứ 3.


Các nhà bán lẻ nội địa gặp thách thức lớn

Một yếu tố thúc đẩy sự thâm nhập của các ông lớn bán lẻ đa quốc gia vào Việt Nam là tiềm năng kinh tế cao. Vào năm 2020, khi đại dịch gây tác động tiêu cực tới Thái Lan và Indonesia, Việt Nam đã công bố mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội tính theo giá trị thực là 2,9%, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất của Đông Nam Á tăng trưởng trong năm đó.

Sau đó, Việt Nam tiếp tục tạo ra những con số kinh tế vô cùng ấn tượng. Mới đây, Việt Nam cũng đã công bố GDP trong quý III với mức tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà bán lẻ đa quốc gia cũng hy vọng sẽ thu được lợi nhuận từ việc hiện đại hóa trải nghiệm mua sắm ở Việt Nam. Trong khi các cửa hàng bán lẻ và các hình thức buôn bán khác như chợ truyền thống chiếm thị phần lớn trên thị trường bán lẻ ngày nay, thì đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người tiêu dùng chuyển sở thích sang các siêu thị, nơi mang lại sự an tâm và nguồn cung sản phẩm ổn định.

Các nhà bán lẻ quốc tế dự đoán sẽ sự thay đổi trong quan điểm của người tiêu dùng, với việc người mua sẽ yêu thích những nơi có nhiều lựa chọn hơn để thuận tiện khi mua các sản phẩm thiết yếu tại cùng một chỗ.

“Nếu ngành bán lẻ tiếp tục hiện đại hóa ở Việt Nam, nó sẽ trở thành một thị trường có nhiều cơ hội kinh doanh hơn các nước khác", một giám đốc điều hành tại một tập đoàn bán lẻ quốc tế cho biết.

Một điểm cũng hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ toàn cầu là kế hoạch của Việt Nam về việc bãi bỏ kiểm tra năng lực kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách thành lập các cửa hàng bán lẻ vào năm 2024.

Theo kiểm tra nhu cầu kinh tế, nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ trong nước, một nhà bán lẻ nước ngoài muốn mở các cửa hàng có diện tích từ 500 m2 trở lên sẽ cần có giấy phép của cơ quan chức năng cho từng địa điểm. Việt Nam có vẻ đang là người thử nghiệm đầu tiên, phần còn lại của Đông Nam Á cũng đang xem xét bãi bỏ quy định tương tự.

Một nhà phân tích bán lẻ cho biết: “Nếu nhiều người sử dụng các cửa hàng và siêu thị lớn, phong cách tiêu dùng sẽ tiếp tục thay đổi và nó sẽ tạo ra một làn gió mới cho các nhà bán lẻ lớn”.

Trong khi đó, ông Langlet cho biết "tỷ lệ thâm nhập thương mại" của các cửa hàng hiện đại, phi truyền thống ở Việt Nam chỉ là 11%, cho thấy tiềm năng tăng trưởng vẫn ở mức lớn.

Các nhà bán lẻ nội địa đang đối phó với làn sóng thâm nhập của các đối thủ nước ngoài bằng cách dựa vào sự hiểu biết về thị trường. Masan Group, nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, cũng đã mở mới 100 địa điểm mỗi tháng kể từ đầu năm.

Masan hiện đang vận hành khoảng 3.000 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, đặt mục tiêu có 10.000 địa điểm dưới sự quản lý trực tiếp vào năm 2025. Tập đoàn hy vọng sẽ thực hiện một chiến lược tinh chỉnh cho các cửa hàng mới.

Ông Michael Hung Nguyen, Phó Tổng Giám đốc Masan Group cho biết: “Rất nhiều đđối thủ cạnh tranh trên thị trường đang tập trung nhiều hơn vào các hình thức lớn hơn như siêu thị và đại siêu thị, nơi chúng tôi nghĩ rằng thực tế sẽ rất khó để mở mới 1.000 địa điểm/năm”.

Trường Hải Auto, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam, đã hoàn thành hoạt động kinh doanh bán lẻ, với kế hoạch vận hành 20 siêu thị vào năm 2026. Các địa điểm này cũng sẽ tổ chức phát triển các đại lý ô tô và cửa hàng sửa chữa để thu hút khách hàng.

Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ trở nên đông đúc, và việc phù hợp với nhu cầu cũng như sở thích của người tiêu dùng sẽ là yếu tố tạo nên bước đột phá trong việc dẫn đầu top phát triển.


Tham khảo: Nikkei Asia

Chia sẻ Facebook