Kyiv chỉ trích Pháp về đề xuất cung cấp “các đảm bảo an ninh” cho Nga liên quan đến mở rộng NATO

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 11:02:51

Kyiv đã chỉ trích đề xuất của Pháp về việc cung cấp cho Nga “các đảm bảo an ninh” nhằm giải quyết những lo ngại lâu nay của nước này về việc mở rộng hơn nữa về phía đông của liên minh NATO.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận


Embed from Getty Images


Theo các quan chức Ukraine, Moscow mới là bên cần đưa ra các đảm bảo an ninh, chứ không phải NATO.


Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết qua Twitter vào ngày 4/12: “[Thế giới] văn minh cần nhận được ‘đảm bảo an ninh’ khỏi [những] ý định man rợ của nước Nga thời hậu Putin.”


Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cũng bày tỏ quan điểm tương tự, đồng thời tuyên bố trên Twitter rằng một nước Nga “phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa” là sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình thế giới.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã đưa ra đề xuất gây tranh cãi này với hy vọng đưa Moscow vào bàn đàm phán.


Vào ngày 3/12, ông Macron đề xuất mở rộng “bảo đảm an ninh” cho Nga để đổi lấy việc nước này chấm dứt “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 10.


“Một trong những điểm thiết yếu mà chúng ta phải giải quyết, như [Tổng thống Nga Vladimir] Putin luôn nói, là nỗi sợ hãi rằng NATO sẽ đến ngay ngưỡng cửa của mình và việc triển khai vũ khí [của NATO] có thể đe dọa Nga,” Tổng thống Pháp nói.


Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, liên minh quân sự phương Tây đã liên tục mở rộng về phía đông, ngày càng tiến gần hơn đến biên giới Nga.


Năm 1999, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đều trở thành thành viên NATO. Bảy quốc gia khác, bao gồm cả ba quốc gia vùng Baltic, đã gia nhập liên minh 5 năm sau đó.


Sau đó, bốn quốc gia Baltic khác cũng đã trở thành thành viên của liên minh.


Về phần mình, Moscow từ lâu đã khẳng định rằng việc sáp nhập các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào NATO, chẳng hạn như Ukraine, là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của họ.


Vào ngày 8/2, chỉ vài tuần trước khi Nga bắt đầu đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Putin đã tổ chức một cuộc họp báo chung với ông Macron, trong đó ông nhắc lại các yêu cầu an ninh của Moscow.


Những yêu cầu đó bao gồm chấm dứt việc mở rộng NATO về phía đông, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu.


Vào thời điểm đó, Washington đã mô tả các yêu cầu của Nga là không thể thành hiện thực.


Moscow cũng phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nào của liên minh phương Tây trong lãnh thổ của các quốc gia có chung đường biên giới.


Kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2, các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc NATO điều hành các chương trình vũ khí sinh học bí mật bên trong lãnh thổ Ukraine.


NATO cùng với các quốc gia thành viên hàng đầu đã bác bỏ cáo buộc này.


Vào ngày 30/9, Moscow đã chính thức sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào Liên bang Nga sau “các cuộc trưng cầu dân ý.” Kể từ đó, Moscow xem cả 4 khu vực này đều là lãnh thổ của Nga.


Ukraine và các đồng minh bác bỏ tính hợp pháp của động thái này, mà họ cho là hành động sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Nga.


Ngay sau động thái gây tranh cãi của Moscow, Kyiv đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. “Chúng tôi đang thực hiện bước quyết định của mình bằng cách ký đơn xin gia nhập nhanh chóng [của Ukraine] vào NATO,” ông Zelensky cho biết vào thời điểm đó.


Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “cánh cửa [liên minh] đang mở” và rằng “các đồng minh NATO và các quốc gia có nguyện vọng quyết định về tư cách thành viên [chứ không phải thế lực bên ngoài khác]”.


Ông Stoltenberg nói thêm: “Đây cũng là thông điệp gửi tới Ukraine.”


Vào ngày 5/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo về “hậu quả thảm khốc” có thể xảy ra nếu xảy ra xung đột giữa nước ông và phương Tây.​​​​​​​


Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Lavrov: “Trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực kiềm chế Nga, đường lối của Mỹ và NATO nói chung về một cuộc đối đầu quân sự thực sự với chúng tôi đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng”.


Trong khi đó, Victoria Nuland, Thứ trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị, đã bác bỏ khả năng có một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất là trong ngắn hạn.


Điện Kremlin đáp lại bằng cách nói rằng ông Putin “sẵn sàng đàm phán” nhưng bác bỏ các điều khoản của ông Biden về việc chấm dứt xung đột.


Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Washington “vẫn không công nhận các vùng lãnh thổ mới gia nhập Liên bang Nga”. “Điều đó làm cho việc tìm kiếm các cơ sở khả dĩ để thảo luận trở nên khó khăn hơn nhiều,” ông Peskov nói thêm.


Lê Vy (theo AP, Reuters)

Tổng thống Pháp nói cấu trúc an ninh mới nên đảm bảo an ninh cho Nga

Tổng thống Pháp Macron đề nghị phương Tây nên cân nhắc giải quyết ra sao nhu cầu đảm bảo an ninh cho Nga nếu TT Putin đồng ý đàm phán.

Chia sẻ Facebook