Kỳ World Cup đắt đỏ nhất thế giới: Ngoài sân vận động và hệ thống tàu xe, đại gia dầu mỏ còn xây cả 1 thành phố mới để phục vụ người hâm mộ

Chia sẻ Facebook
19/11/2022 21:20:19

Trong 12 năm kể từ khi quốc gia nhỏ bé nhưng sở hữu nguồn khí đốt dồi dào đăng cai tổ chức sự kiện này, họ đã chi 300 tỷ USD để chuẩn bị.

World Cup 2022 sẽ chính thức diễn ra vào tối ngày 19/11 (giờ Hà Nội), với trận đấu giữa đội chủ nhà Qatar và Ecuador. Trong 12 năm kể từ khi quốc gia nhỏ bé nhưng sở hữu tài nguyên khí đốt dồi dào đăng cai tổ chức sự kiện này, họ đã chi 300 tỷ USD để chuẩn bị. Doha giờ đây đã thay đổi, với nhiều sân vận động nằm rải rác trong thành phố và nhiều khách sạn mới được xây dựng nhằm phục hơn 1 triệu người hâm mộ trong tháng tới.

Đây là lần đầu tiên World Cup được tổ chức ở Trung Đông và theo đó thể hiện tham vọng lớn của khu vực này trong lĩnh vực thể thao. Qatar và các nước láng giềng giàu có đã đầu tư hàng tỷ USD vào các câu lạc bộ lớn ở châu Âu. Khu vực này cũng sẽ tổ chức 4 cuộc đua Công thức 1 vào năm tới và giải đấu golf chuyên nghiệp LIV.

Sự kiện thi đấu bóng đá lớn nhất hành tinh dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận kỷ lục cho các nhà tổ chức FIFA, vượt mức 5,4 tỷ USD vào năm 2018 được tổ chức ở Nga. Cách đây 4 năm,khoảng 3,6 tỷ người đã theo dõi World Cup và con số của năm nay có thể còn lớn hơn.


Những sân cỏ giữa lòng sa mạc

Trong suốt lịch sử 92 năm, World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Đông và cũng trở thành sự kiện thể thao lớn nhất trong khu vực này. Đây cũng là sự kiện toàn cầu đầu tiên mở cửa đón khán giả sau khi dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho Olympic mùa hè ở Tokyo và Olympic mùa đông ở Bắc Kinh.

Và không như những kỳ World Cup trước, nơi các địa điểm thi đấu thường trải dài ở nhiều thành phố, toàn bộ các trận đấu năm nay sẽ diễn ra trong phạm vi khoảng 50 km kể từ trung tâm của Doha là Corniche. Theo đó, thủ đô của Qatar sẽ thu hút hơn 1 triệu người hâm mộ, tương đương khoảng 1/3 dân số nước này, trong sự kiện kéo dài 1 tháng.

7 sân vận động được xây mới hoàn toàn để phục vụ World Cup, 1 sân vận động được Qatar tân trang lại.

Khác với truyền thống, đây cũng là lần đầu tiên FIFA tổ chức sự kiện này vào tháng 11 và tháng 12, thay vì thời điểm giữa năm để tránh thời tiết mùa hè nóng đỉnh điểm ở Qatar. Điều này đã làm đảo lộn lịch thi đấu của các giải ở châu Âu, khiến các cầu thu lo ngại về việc chấn thương và kiệt sức.

Gần 3 triệu vé đã được bán vào giữa tháng 10. Người dân Qatar, khách từ Ả Tập Xê Út và UAE là những người mua vé nhiều nhất. Người hâm mộ từ Mỹ, Mexico, Anh, Pháp, Argentina, Brazil và Đức cũng sẽ đến Doha, trong khi người hâm mộ Trung Quốc khó có thể đến theo dõi trực tiếp vì quy định Covid-19 vẫn chưa được dỡ bỏ ở nước này.

Các trận đấu sẽ được tổ chức ở 8 sân vận động, 7 trong số đó được xây mới hoàn toàn và 1 sân đã được tân trang lại. Công trình xây dựng các sân này chỉ chiếm một phần nhỏ trong số tiền ước tính 300 tỷ USD mà Qatar đã đầu tư kể từ năm 2010.

Trong quá trình xây dựng, diện tích nhỏ của Qatar đã đặt ra thách thức cho các nhà tổ chức. Họ đã phải xây dựng cả những nơi ở phi truyền thống bao gồm du lịch, lều trên sa mạc và căn hộ dịch vụ để phục vụ người hâm mộ. Theo kế hoạch, Qatar sẽ cung cấp 130.000 phòng nhưng nhiều khách sạn vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, những khu lưu trú ở địa điểm xa trung tâm sẽ trở thành điều bất tiện cho người hâm mộ.

Để giải quyết vấn đề này, Qatar đã nhờ đến sự hỗ trợ từ các nước láng giềng. Gần 100 chuyến bay khứ hồi hàng ngày giữa Doha và các thành phố lớn ở Trung Đông được khai thác sẽ cho phép du khách lưu trú bên ngoài quốc gia vùng Vịnh. Theo đó, nhu cầu khách sạn ở Dubai đã tăng đột biến. Chỉ cách Qatar 55 phút đi bộ, thành phố này được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Song, các nhà tổ chức cho biết diện tích nhỏ là điểm đặc trưng chứ không phải nhược điểm. Họ nói rằng, việc các sân vận động ở gần nhau sẽ giúp người hâm mộ dễ dàng di chuyển, theo dõi được nhiều trận đấu trong 1 ngày. Hầu hết các sân vận động sẽ được kết nối bằng phương tiện công cộng, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt điện mới.


Kỳ World Cup đắt đỏ chưa từng có

Qatar giàu có chủ yếu nhờ xuất khẩu LNG, hầu hết được vận chuyển đến các nước châu Á với hợp đồng dài hạn. Quốc gia này khai thác một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới cùng với Iran.

Nhiên liệu hoá thạch đã giúp Qatar trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người. Số người bản địa ở Qatar chỉ có 350.000, với phần lớn là người lao động nhập cư có thị thực lao động. Nhờ giá dầu tăng mạnh, quốc gia này đã chứng kiến một năm “bội thu” và dự kiến sẽ tạo ra tỷ lệ thặng dư 13% GDP, theo S&P Global Ratings.

Khi nhu cầu với LNG tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, Qatar đã thực hiện một dự án gần 50 tỷ USD để tăng công suất lên hơn 60% trong thập kỷ này. Capital Economics dự đoán, kế hoạch trên sẽ giúp GDP của quốc gia vùng Vịnh tăng 25% vào cuối năm 2027.

Hệ thống tàu điện ngầm hoàn toàn mới, cảng vận chuyển hiện đại, sân bay chính được mở rộng và việc xây dựng một thành phố ở phía bắc Doha đã làm thay đổi cả Qatar. Giới chức cho biết phần lớn những dự án đó đã được xem xét nhưng họ đẩy nhanh tiến độ để phục vụ World Cup.

Những khoản chi xây dựng cơ sở hạ tầng này bao gồm khoảng 45 tỷ USD cho việc xây dựng thành phố Lusail, nơi phần lớn vẫn là sa mạc vào năm 2010. Theo nhà phát triển của dự án này, Lusail sẽ là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người. Khu đô thị này có quần đảo nhân tạo và sân vận động Lusail - nơi sẽ diễn ra các trận đấu sắp tới.

Thành phố Lusail được xây dựng cùng 1 sân vận động để tổ chức World Cup.

Theo một số nhà phân tích, việc thành chủ nhà của mùa World Cup năm nay sẽ giúp Qatar có cơ hội thể hiện mình trên trường quốc tế và ngăn chặn những rủi ro về địa chính trị trong tương lai.


Qatar sau World Cup sẽ ra sao?

Giới chức Qatar kỳ vọng rằng cơ sở hạ tầng được phát triển trong quá trình chuẩn bị cho World sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế không dựa vào năng lượng của nước này. Song, họ vẫn chưa chắc sẽ làm gì với toàn bộ số sân vận động “mới tinh” đó.

Dù LNG vẫn là loại hàng hoá được săn đón nhiều ở thời điểm hiện tại, nhưng châu Âu vẫn đặt mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Việc hình ảnh về Qatar được “đánh bóng” có thể giúp họ thu hút khách du lịch và các doanh nghiệp. Sự phát triển của cảng và hệ thống đường xá cũng có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất.

Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán hoạt động kinh tế không dựa vào năng lượng của Qatar sẽ chậm lại sau khi giải đấu kết thúc, các toà nhà và khách sạn vắng khách. Trong khi đó, hàng nghìn phòng khách sạn - không xây dựng kịp tiến độ phục vụ World Cup, dự kiến sẽ được ra mắt thị trường vào năm 2023. Ngoài ra, Qatar cũng có thêm hàng nghìn căn hộ dân cư.

Chính phủ Qatar cho biết họ dự đoán những lao động thu nhập thấp sẽ rời nước này khi các dự án xây dựng đã hoàn thiện. Tuy nhiên, các nhân sự làm việc ở văn phòng tham gia chuẩn bị cho giải đấu bóng đá được cho là cũng sẽ rời đi.

Tính đến năm kết thúc vào ngày 31/10, dân số Qatar tăng gần 14% lên mức kỷ lục 3 triệu người. Quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ “vắng người” khi người hâm mộ bóng đá ra về. Chính phủ nước này kỳ vọng rằng điều này sẽ báo trước thời điểm bình minh của một nền kinh tế tri thức và dịch vụ, song sự kết nối giữa một sự kiện thể thao lớn và giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo vẫn là chưa rõ ràng.


Tham khảo Bloomberg 

Chia sẻ Facebook