Kỳ vọng thị trường Tết 2023: Bài toán sức mua và vốn sản xuất

Chia sẻ Facebook
15/10/2022 21:12:08

Còn chưa đầy 2 tháng nữa là mùa cao điểm mua sắm cuối năm nhưng việc chuẩn bị nguồn hàng từ các doanh nghiệp Tp.HCM vẫn khá dè chừng.


Chủ động nguồn cung từ sớm

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, Sở đang lên kế hoạch để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết sắp tới.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, vào quý IV hàng năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm của người dân lại tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

Để chủ động nguồn cung, ổn định thị trường, Tp.HCM đang có kế hoạch từ sớm nhằm tránh những khó khăn có thể tác động không tốt đến thị trường.

Thành phố này sẽ chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ Tết. Cụ thể, nguồn lương thực thành phố sẽ cần là hơn 5.200 tấn; đường 2.000 tấn; dầu ăn 2.300 tấn; thịt gia súc là hơn 5.600 tấn; thịt gia cầm là gần 8.500 tấn; trứng gia cầm là hơn 50 triệu quả.

Tổng nguồn hàng chế biến là 1.400 tấn, trong đó rau củ quả là hơn 9.000 tấn; thủy hải gần 300 tấn; gia vị 1.600 tấn. Trong tháng 10 và 11/2022, Sở Công Thương và các Sở ngành sẽ làm việc với các doanh nghiệp nắm lại kế hoạch sản xuất, chuẩn bị số lượng hàng hóa hóa.

Ông Nguyên Phương nói: “Nguồn hàng dự trữ và các khó khăn trong khâu chuẩn bị sẽ được giải quyết triệt để nhằm đảm thực hiện đúng và đầy đủ số lượng theo kế hoạch. Ngoài ra, Thành phố còn có kế hoạch hỗ trợ hệ thống phân phối hội nghị kết nối cung cầu giới thiệu hàng mới, các hàng đặc sản, tiềm năng, có chất lượng giá cả phù hợp vào trung tuần tháng 11".

Các hệ thống bán lẻ đã lên kế hoạch tăng lượng hàng, triển khai đồng loạt chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, mua sắm dịp Tết.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM (VFA) nhận xét, thời gian qua, giá cả đầu vào đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20 - 30%.

Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng tết của doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước.


“Chúng tôi kiến nghị UBND Tp.HCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận (logistics)… nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao”, bà Chi đề đạt.


Cần đánh giá đúng về thị trường


Trao đổi với Người Đưa Ti n, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, công ty tăng 20% sản lượng hàng so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường dịp Tết Quý Mão 2023 nhưng chưa dự kiến được giá bán lẻ.

“Do công ty chúng tôi tham gia chương trình bình ổn thị trường nên phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và cố gắng kìm giữ giá bán, góp phần ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả ổn định dù biết thị trường năm nay không mấy khả quan”, bà Huân nói.

Còn ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt thì giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường sẽ không thay đổi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Lý do là gần đây, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng chững lại, không tăng, giá một số nguyên liệu như bắp có xu hướng giảm.

“Cao điểm tiêu dùng trứng gia cầm dịp tết từ ngày 24-30 tháng Chạp. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ thường gấp đôi so với bình thường, đặc biệt là trứng vịt. Công ty đã chuẩn bị sản lượng 1,5 triệu quả trứng/ngày cho dịp này”, ông Trương Chí Thiện phân tích.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tp.HCM đang nỗ lực đáp ứng nguồn cung hàng thiết yếu cho thị trường dịp Tết Quý Mão 2023.


Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) thông tin, dịp tết Quý Mão sắp tới, Vissan chuẩn bị lượng hàng tết tương đương dịp Tết Tân Sửu (đầu năm 2021), cao hơn dịp tết Nhâm Dần (đầu năm 2022).

Ông Phú nhìn nhận, từ đầu năm 2022 đến nay, sức mua khá yếu nên sức mua hàng Tết năm nay mà bằng với Tết Tân Sửu đã là điều đáng mừng. Vissan cũng có phương án tăng sản lượng nếu nhu cầu thị trường tăng. Lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán thường tăng hơn 30% so với bình thường.

Nhận định về diễn biến giá các nhóm hàng thực phẩm, ông Phú cho rằng, 2 năm nay, tổng chi phí đầu vào đã tăng 40 - 50%, tạo áp lực tăng giá bán đối với thực phẩm chế biến.

Hiện công ty này không thể tăng giá bán ngay mà đang tìm cách tiết giảm chi phí.

Trong trường hợp phải tăng giá bán sản phẩm, công ty sẽ tính mức tăng thấp nhất có thể. Giá thực phẩm tươi sống năm nay tương đối ổn định, giá heo hơi đang có xu hướng tăng nhưng mức tăng này nằm trong tầm kiểm soát.

Đại diện các Công ty San Hà hay doanh nghiệp Thực phẩm Bình Tây cũng cho biết, sức mua hiện nay rất yếu nên họ đang đánh giá lại chi phí đầu vào, nguồn nguyên liệu, dự đoán sức mua rồi mới lên kế hoạch cụ thể về sản lượng, giá cả hàng tết, tránh bị tồn kho, chôn vốn.


Đẩy mạnh phục hồi giữa khó khăn


Báo cáo về tình hình hoạt động ngành công thương Tp.HCM 9 tháng đầu năm của Sở Công Thương Tp.HCM thể hiện, sau 1 năm mở cửa tái khởi động và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19, các hoạt động sản xuất-kinh doanh trên địa bàn Tp.HCM đã trở về trạng thái bình thường so với thời điểm trước dịch.

Tính chung 9 tháng, nhiều ngành, lĩnh vực đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 khi các doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Tp.HCM cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, ảnh hưởng đến tổng cầu và lạm phát tại nhiều quốc gia; giá xăng dầu tăng làm phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm...

Chia sẻ Facebook