Kỳ vọng những cây cầu nối đôi bờ vui trên sông Sài Gòn

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 01:37:12

Nhắc đến TP.HCM sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến vị trí của những cây cầu nối đôi bờ sông Sài Gòn.

Cầu Bình Lợi và cầu đường sắt Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn - Ảnh: GIA TIẾN

TP.HCM có khoảng 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn với vùng đất này từ thuở mới khai hoang, trong đó có những cây cầu trên sông Sài Gòn gắn liền với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của thành phố.

Cùng với những cây cầu xây mới thì đây sẽ là những biểu tượng và đóng góp sức mình vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố nói chung và sông Sài Gòn nói riêng.


Sức khỏe của những cây cầu

Chẳng phải tự nhiên mà nhiều cây cầu gắn liền với lịch sử, ký ức sâu đậm của người dân vì đó là "nhân chứng sống" với vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Có thể điểm sơ lược những cây cầu mà đã là dân Sài Gòn ai cũng thuộc nằm lòng như cầu Bông, cầu Ông Lãnh, cầu Sài Gòn, cầu chữ Y, cầu Móng, cầu sắt Bình Lợi, cầu Khánh Hội, cầu Thị Nghè, cầu Bình Triệu, cầu Nhị Thiên Đường…

Sau này những cây cầu xây mới như cầu Ánh Sao, cầu Bình Lợi 2, cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Ông Lớn, cầu Rạch Chiếc cũng dần trở thành địa điểm quen thuộc của người dân gốc Sài thành lẫn người ngoại tỉnh.

TP.HCM là thành phố giao thương nhộn nhịp bậc nhất nước ta. Những cây cầu có quyết định hệ trọng đến giao thông vận tải, đi lại, di chuyển của người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy "sức khỏe" của những cây cầu chính là phản ánh khách quan về sự quan tâm đã đúng mức của người dân, ban ngành thành phố hay chưa.

Mới đây nhất Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM về việc xem xét đặt tên 4 cây cầu bắc qua Thủ Thiêm: cầu Thủ Thiêm 1: dự kiến đặt tên Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2 đặt tên Ba Son; cầu Thủ Thiêm 3 đặt tên Thủ Ngữ; cầu Thủ Thiêm 4 đặt tên Bến Nghé.

Đây thực sự là một đề xuất thuận lòng dân và ai cũng đồng tình ủng hộ. Việc đặt tên cầu không chỉ là chuyện tên gọi mà còn mang ý nghĩa lịch sử, gìn giữ nét văn hóa và đặc trưng riêng của thành phố.

Tuy nhiên, trên thực tế cầu bắc qua sông Sài Gòn vẫn còn thiếu, cần nhiều hơn nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được ngay.

Ví dụ như cầu Bình Quới, Bình Quới - Rạch Chiếc và những cây cầu "treo" chưa rõ ngày triển khai vẫn còn đó.

Việc đẩy nhanh tốc độ để đưa vào sử dụng một số cây cầu lớn như cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4 và cầu Cát Lái được người dân kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ khả năng liên kết vùng, giải tỏa áp lực giao thông nội đô và phát triển kinh tế ngoại ô.


Bình đẳng của hưởng thụ

Giao thông ở đại đô thị như TP.HCM từ mấy năm nay luôn là vấn đề nhức nhối. Lượng dân cư hàng chục triệu người, trong khi hạ tầng giao thông lỗi thời khiến hầu hết các con đường, cửa ngõ ở địa phương này trở nên quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.

Như các chuyên gia hay tại nhiều cuộc hội thảo đã bàn luận, hạ tầng giao thông có đi trước thì kinh tế mới thực sự phát triển.

Trong đó giải pháp xây cầu nối đôi bờ sông Sài Gòn chính là phương án và là bài toán phải tính toán đầu tiên.


Việc xây dựng cầu trên sông Sài Gòn cần phải vận dụng đặc trưng riêng từng khu vực sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương. Đồng thời, kết hợp góp phần giải quyết những trở ngại về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…


Và phải có sự tham gia của người dân, chính quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp càng tạo thêm sự đồng thuận, tăng tính khả thi. Trong đó, hai bên bờ sông dành cho cộng đồng.


Nếu hai bên sông Sài Gòn có cảnh quan thông suốt từ đầu đến cuối, công trình phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa và du lịch, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn.


Bờ Đông từ Thủ Đức đến quận 2 (cũ) và bờ Tây từ quận Bình Thạnh đến quận 4 được thông suốt có dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, đạp xe, ngắm cảnh, tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông...


May mắn là hai bên bờ sát lòng sông vẫn chưa xây dựng kiên cố, còn nhiều khoảng trống (dù có các dự án bất động sản).

Tiếp đến là phải bảo vệ nguồn nước mặt, phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố và các khu vực lân cận. Con người có thể nhịn ăn, không thể nhịn khát. Bảo vệ mặt nước sông Sài Gòn cũng chính là bảo vệ tài nguyên quý giá, hệ thống sinh thái, nguồn lợi thủy hải sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó xây dựng cầu mới trên sông Sài Gòn cũng cần nhìn ở góc độ bình đẳng giữa các thành phần hưởng thụ thông qua mục tiêu làm dự án và quy hoạch, thiết kế, xây dựng.

Một không gian thoáng đãng, bầu không khí trong lành với tự nhiên kết hợp với di sản văn hóa. Ngày nay cần hướng đến thành phố mở, hài hòa trong sự đa dạng ở những thành phần thụ hưởng.

Chúng ta vẫn còn cơ hội cải tạo hiện hữu để có thêm những cây cầu mới nối đôi bờ vui trên sông Sài Gòn.

Để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, phải có tiêu chí rõ ràng theo một hệ thống xuyên suốt, cần một quy hoạch tổng thể trọn vẹn trên cơ sở định hướng phát triển bền vững.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Mô hình kênh - hồ - quảng trường Sông Sài Gòn là một nguồn lực phát triển cho cả đô thị và vùng nông thôn mới của TP.HCM.

Chia sẻ Facebook