Kỳ vọng gì từ Thượng đỉnh EU-ASEAN?

Chia sẻ Facebook
14/12/2022 08:47:44

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ thương mại với ASEAN là ưu tiên của các nhà lãnh đạo EU.

Thượng đỉnh EU-ASEAN được hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên quan hệ kinh tế tốt hơn và giúp các nhà sản xuất châu Âu ở châu Á đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của hai khối tại Brussels vào ngày 14/12, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

“Tôi coi đây là cơ hội để EU và ASEAN cam kết với quan hệ đối tác chiến lược và cam kết chung tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay”, một quan chức EU nói với các phóng viên trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh.

“Chúng tôi rất vui khi các đối tác ASEAN chia sẻ mối quan ngại của chúng tôi về xung đột Nga-Ukraine”, vị quan chức này nói và cho biết thêm rằng châu Âu cũng cần chú ý đến những thách thức an ninh ở Myanmar, Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Charles Santiago, Chủ tịch tổ chức Các Nhà lập pháp ASEAN vì Nhân Quyền (APHR), cho biết vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do ASEAN-EU nào được đưa ra bàn đàm phán.

Các nhà lãnh đạo EU và ASEAN tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Brussels, ngày 14/12/2022, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ảnh: Channel News Asia

“Châu Âu muốn duy trì quan hệ thương mại với ASEAN dựa trên một số điều. Thứ nhất, EU đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô như lithium mà ASEAN có thể cung cấp. Hiện tại, bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào cũng sẽ tập trung vào việc đối trọng với Trung Quốc và ảnh hưởng áp đảo của Nga”, ông nói.


Nền tảng cho hiệp định thương mại EU-ASEAN

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc, giao dịch hàng hóa trị giá hơn 215,9 tỷ Euro vào năm 2021.

Các sản phẩm hóa chất, máy móc và thiết bị vận tải là những mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang các nước ASEAN, trong khi hàng nhập khẩu bao gồm máy móc và thiết bị vận tải, nông sản, hàng dệt may.

Mặc dù hai khối bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do vào năm 2007, nhưng lại chọn triển khai các hiệp định thương mại song phương.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), các hiệp định thương mại và đầu tư song phương này có thể đóng vai trò là nền tảng cho một hiệp định thương mại EU-ASEAN trong tương lai.


EU bắt đầu đàm phán thương mại với từng quốc gia ASEAN như Singapore và Malaysia vào năm 2010, Việt Nam năm 2012, Thái Lan năm 2013, Philippines năm 2015 và Indonesia năm 2016.

Trong khi các thỏa thuận với Singapore và Việt Nam đã hoàn tất, tại hội nghị thượng đỉnh ngày mai, EU hy vọng sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Thái Lan và các chính phủ mới của Philippines và Malaysia. Các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Indonesia cũng dự kiến sẽ được thảo luận song phương.

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc, giao dịch hàng hóa trị giá hơn 215,9 tỷ Euro vào năm 2021. Ảnh: DW

“Còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong ASEAN, khu vực đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trong 4-5 năm tới, và chúng tôi muốn hoàn thiện thêm các hiệp định thương mại song phương. Điều đó cũng rất quan trọng đối với chúng tôi để đa dạng hóa chuỗi cung-cầu của chúng tôi”, một quan chức EU nói với các phóng viên.


Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen dự kiến sẽ đưa ra gói đầu tư của EU về phát triển năng lượng tái tạo, giao thông vận tải, chuyển đổi số và cơ sở hạ tầng với các nước ASEAN, vị quan chức này cho biết thêm.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ đề cập đến Kế hoạch hành động EU-ASEAN 2023-2027, trong đó phác thảo chi tiết về hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau như khắc phục đại dịch, thương mại bền vững, kết nối dựa trên quy tắc và bền vững, thúc đẩy việc làm thỏa đáng, phòng chống thiên tai…


Minh Đức (Theo DW, Consilium.europa.eu)

Chia sẻ Facebook