Ký ức vụn về chuyện học ở miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa (kỳ 2)
Thời Đệ nhất Cộng hòa, không có hai từ “giáo án” và cũng thực sự không có việc giáo viên soạn thảo bài dạy theo một tiêu chuẩn nào, trình...
Chương trình giáo dục trung và tiểu học thời Đệ nhất Cộng hòa do Bộ Giáo dục soạn thảo chung cho tất cả các trường trên toàn quốc. Chương trình này có tính ổn định lâu dài và chỉ có những thay đổi nhỏ trong quá trình thực hiện. Thời đó, không có hai từ “giáo án” và cũng thực sự không có việc giáo viên soạn thảo bài dạy theo một tiêu chuẩn nào, trình cho một giới chức nào. Người dạy học thời đó dựa vào chương trình chính thức do Bộ Giáo dục soạn thảo và dạy học sinh theo cách thức riêng của mỗi người, miễn sao trong kết quả cuối năm, nhiều học sinh đạt điểm cao nhất trong môn họ đã dạy. Nếu có soạn thảo “giáo án” chăng thì đó chỉ là những ghi chép riêng tư, sắp xếp ý tưởng giảng dạy để tự nhắc mình cho bài giảng có hiệu quả.
Xem lại kỳ 1
Ở bậc Tiểu học, sách giáo khoa các lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng (lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba) được Nha Học chính Đông Pháp soạn thảo thống nhất cho cả nước từ các thập niên 1920-1930 và được áp dụng tại miền Nam cho đến nửa sau thập niên 1950. Bộ sách có tên chung là “Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư”, gồm nhiều đề mục khác nhau, sử dụng cho ba lớp sơ học: Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng, gồm nhiều chuyên mục khác nhau: Quốc văn Giáo khoa thư; Luân lý Giáo khoa thư; Sử ký – Địa dư Giáo khoa thư; Cách trí Giáo khoa thư; Vệ sinh Giáo khoa thư; Toán pháp Giáo khoa thư… Ban soạn thảo các sách giáo khoa này gồm 4 vị có tên tuổi và uy tín trong học giới: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.
Tuy bộ sách có nhiều chuyên mục khác nhau, song được nhắc đến nhiều nhất là bộ Quốc văn Giáo khoa thư, ấn tượng đầu đời sâu đậm nhất của những người đi học vào thời kỳ chuyển tiếp giữa nền học cũ với nền học thời Đệ nhất Cộng hòa. Dù ở lớp nào, các bài học cũng đều mang ý nghĩa nhân văn, đi dần từ những bài dễ đọc, dễ hiểu ở lớp Đồng ấu và Dự bị đến những bài ở lớp Sơ đẳng, đòi hỏi học sinh tập suy luận trước những vấn đề được đặt ra, từ những bài ở sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị như Khuyến hiếu đễ; Người ta cần phải làm việc; Làng tôi; Nên giúp đỡ lẫn nhau; Lễ phép với người tàn tật… đến những bài dành cho lớp Sơ đẳng như Ai ơi chớ vội khoe mình; Lòng kính yêu chị; Chớ nên ham mê cờ bạc; Không nên báo thù; Không nên khinh những nghề lao lực…
Bên cạnh sách giáo khoa thường được các trường Tiểu học sử dụng, còn có loại sách “Tập Đọc Vui” được soạn thảo và phát hành song song với sách giáo khoa, gồm những bài đọc vui, bổ ích về mặt hình thành nhân cách cho trẻ thuộc các lãnh vực: học đường, gia đình, thân thể, việc học và chơi… Trong tinh thần “Tiên học lễ, Hậu học văn” áp dụng xuyên suốt trên cả nước, nền giáo dục Tiểu học Đệ nhất Cộng hòa kế thừa nền giáo dục Hoàng Xuân Hãn năm 1945 và nguồn sách giáo khoa của Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư do bộ tứ Kim-Ngọc-Phúc-Thận biên soạn, coi trọng việc Đức dục ngang với Trí dục và Thể dục. Ấn tượng mạnh về bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư khiến những thế hệ ra đời từ thập niên 1950 trở về trước luôn nhắc nhở đến chúng như một hoài niệm về thời thơ ấu, với những bài học đáng nhớ là kim chỉ nam cho họ trong cách xử sự ở đời. Vào thập niên 1960 trở về sau, dù không còn là sách giáo khoa cho học trò nữa, song Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn của nhiều thế hệ, vào cả trong tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, với truyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư nhắc đến những bài học không thể nào quên.
Khoảng thập niên 1990, nhà xuất bản trẻ TPHCM có sáng kiến in lại mấy tập sách giáo khoa này, theo yêu cầu của những độc giả có tuổi muốn tìm lại những hình ảnh của một thời học hành tuổi nhỏ. Nhiệt tình đó đáng ca ngợi, song đáng tiếc là sách in lại bằng giấy trắng láng, hình ảnh thiếu sự đậm đà, sắc nét khiến tác phẩm được phục hồi mất đi khá nhiều giá trị của sự hồi tưởng, hoài niệm một thời đã qua.
Nửa sau thời Đệ nhất Cộng hòa, khoảng năm 1958, Bộ Quốc gia Giáo dục định ra các triết lý giáo dục gồm ba yếu tố cơ bản là: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng, sách giáo khoa cho bậc Tiểu học được soạn mới, song vẫn giữ cốt cách của Quốc văn Giáo khoa thư và Luân lý Giáo khoa thư.
Ở bậc Trung học, thời Đệ nhất Cộng hòa, Nha Tổng Giám đốc Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục là cơ quan cao nhất thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục chịu trách nhiệm về việc dạy và học tại miền Nam. Cơ quan này bao gồm một số đơn vị trực thuộc gồm: Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Nha Khảo thí và cơ quan Thanh tra. Tại cấp tỉnh, trong lúc các Ty Tiểu học trực thuộc chính quyền địa phương theo hệ thống ngang (thuộc Nha Tiểu học theo hệ thống dọc), thì các trường Trung học chỉ thống thuộc duy nhất Nha Trung học theo hệ thống dọc mà thôi. Ở bậc học này, Bộ Quốc gia Giáo dục có một quan điểm khá thoáng về mặt sách giáo khoa. Hầu như không có một bộ sách giáo khoa nào do cơ quan giáo dục chính thống biên soạn và phát hành để thầy và trò dạy và học theo.
Thời đó, dù là giáo sư tư thục hay công lập, mọi giáo chức có quyền dạy học sinh theo cách thức riêng của mình, không phải tuân theo một phương pháp giảng dạy nào, miễn sao tôn trọng đúng nội dung chương trình giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo, giúp học sinh đạt được kết quả như ý trong các kỳ thi. Trên thị trường, nhiều sách giáo khoa (hay sách tham khảo) được bày bán, do các giáo sư tư thục lẫn công lập biên soạn. Mỗi tác giả có cách biên soạn của riêng mình, sách nào hay hoặc phù hợp với chương trình dạy và học sẽ được nhiều giáo chức tham khảo trong giảng dạy, học sinh tìm mua để đọc thêm.
Những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, về quốc văn, loại sách “Luận đề văn chương” của các giáo sư tư thục Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Văn Mùi… tràn ngập thị trường, được giới dạy văn và học sinh tham khảo nồng nhiệt. Mỗi sách luận đề khảo về văn chương của một tác giả cổ điển như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến…, sách khổ nhỏ, không dày, viết cô đọng, được cả thầy và trò ưa chuộng. Bản thân người viết bài này được làm học trò môn văn năm Đệ tứ (1958 – 1959) với giáo sư Nguyễn Duy Diễn, người đã mang lại cho cậu thiếu niên 14-15 tuổi một tình yêu nồng nàn đối với môn văn học nước nhà. Tiếc rằng thầy mất quá sớm, khoảng giữa thập niên 1960, khi tuổi đời còn trẻ.
Với môn Văn, ngoài loại sách luận đề văn chương, còn có các sách quốc văn dành tham khảo của giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 – 1946) (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển), của các giáo sư Hà Như Chi, Phạm Thế Ngũ, Phan Ngô … Về lịch sử – địa lý có sách của ông bà giáo sư Tăng Xuân An, giáo sư Nguyễn Văn Mùi…; sách toán của các giáo sư Đinh Qui – Bùi Tấn – Lê Nguyên Diệm, Bùi Hữu Đột… sách ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, có loạt sách L’anglais vivant của nhà xuất bản Ziên Hồng được nhượng quyền khai thác từ nhà Hachette của Pháp… Thông thường, các nhà biên soạn sách giáo khoa đã được thị trường chấp nhận và tác phẩm của họ được sử dụng rộng rãi trong việc giảng dạy của các thầy cô và thỏa mãn nhu cầu tham khảo của các em học sinh trung học. Sự chọn lọc, đào thải của thị trường sách giáo khoa giúp các giáo chức, học sinh tìm được những sách đứng đắn, có chất lượng để dạy và học.
Ở bậc Đại học, với chủ trương một nền đại học tự trị, chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa dành cho các viện Đại học Sài Gòn và Huế một quyền hạn rộng rãi trong việc sắp xếp chương trình giảng dạy, bố trí một đội ngũ giáo sư đại học phù hợp. Thông thường sách giáo khoa ở bậc học này do chính giáo sư các bộ môn soạn thảo và giảng dạy, không thông qua những tác giả trung gian khác.
Ở trường Đại học Luật khoa, có thể tham khảo, học tập sách của các giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thạc sĩ Luật, từng đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm; Vũ Quốc Thúc, Thạc sĩ Kinh tế, Khoa trưởng trường Đại học Luật khoa; Nguyễn Độ, Tiến sĩ Hành chánh công (1952); Vũ Quốc Thông (Thạc sĩ Luật, từng làm Bộ trưởng Y tế, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh trước 1.11.1963); Nguyễn Văn Bông (Thạc sĩ Công pháp Quốc tế, sau ngày 1.11.1963 được cử làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh)…; ở Đại học Văn khoa có sách của các giáo sư Nguyễn Đăng Thục, dạy chủ yếu môn Triết học Đông phương, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Văn Trung, Bùi Xuân Bào… Ở các phân khoa Khoa học, Y khoa, Dược khoa… bài giảng và sách học được soạn chủ yếu dựa vào các tài liệu khoa học phổ biến ngoài nước. Cần nói thêm là hầu hết các giáo sư đại học tại miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa xuất thân từ các trường đại học Pháp, và theo chế độ giáo dục của nước này, bằng Thạc sĩ là bằng cấp cao nhất, trên bằng Tiến sĩ một bậc.
Hầu hết sách giáo khoa các bậc học Tiểu học, Trung học và Đại học thời Đệ nhất Cộng hòa đều theo khuynh hướng phi chính trị hóa, chú trọng chủ yếu đến việc rèn luyện con người trên các mặt Đức, Trí và Thể dục. Người viết sách giáo khoa cung ứng cho thị trường không bị một áp lực nào hay phải tuân theo một sự chỉ đạo nào. Đối tượng chủ yếu mà họ nhắm đến là các giáo chức cần tài liệu để hoàn thiện sự giảng dạy, đội ngũ học sinh, sinh viên cần tham khảo thêm ngoài các bài giảng ở trường.
(Còn nữa)
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
Mời xem video :