Ký ức trung thu của người Sài Gòn: Khu Chợ Lớn nô nức, đi dạo 'Sám tố'

Chia sẻ Facebook
10/09/2022 11:21:33

Mùa trăng tháng 8 lại về, kéo theo bao kí ức rực rỡ của người Sài Gòn...

Đêm 14 âm lịch, con phố Lương Nhữ Học ngập tràn sắc đỏ của lồng đèn, tiếng cười nói rộn ràng. Những bé con nắm lấy tay mẹ, được bố cõng trên lưng, băng băng qua phố phường nhộn nhịp. Âm thanh từ chiếc đèn lồng nhấp nháy, khúc hát ngân nga của quán cà phê... Tất cả đã trở thành kí ức trung thu đặc biệt của người Sài Gòn.

Đôi khi, mình ước được bé lại...

Chị Lê Thị Ngọc Chi (SN 1986) ngượng ngùng hỏi bạn: "Mình nên mua tai thỏ này không nhỉ". Rồi chị cười. Ở tuổi ngoài 30, trung thu với chị vẫn là dịp đặc biệt. Sinh ra và lớn lên ở khu vực quận 8, từ nhỏ, Trung thu đối với chị dịp để đoàn viên, hay cùng nhau đi dạo phố phường.

Những chiếc bánh nướng thơm phức được bày biện cạnh ấm trà đặc quánh, xóm nhỏ sáng trưng ánh đèn, và chiếc lồng đèn giấy kiếng xanh đỏ thì lấp lánh trên tay mấy đứa nhỏ... Cứ mỗi mùa trăng rằm tháng 8, những miền kí ức rực rỡ ấy lại thi nhau ùa về.

Phố lồng đèn Lương Nhữ Học đông đúc


Chị nói: "Người Hoa hay nói với nhau là "đi dạo Sám Tố", tức đi dạo phố lồng đèn. Mình không nhớ nơi đây trở thành địa điểm check-in nổi tiếng từ bao giờ. Chỉ biết rằng, đây là con phố của niềm vui, bởi ánh mắt vui thích của trẻ con khi được chạm vào những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, là những tiếng cười không ngớt của những gia đình vui Trung Thu. Mỗi năm, gia đình mình đều chọn nơi đây để đi chơi, tham quan, chụp hình. Một địa điểm chụp rất nhiều ảnh, nhưng mỗi lần lại là một cảm xúc khác nhau".

Thông thường, Phố lồng đèn tại con đường Lương Nhữ Học, Nguyễn Án (quận 5) sẽ nhộn nhịp, đông đúc khoảng 2 tuần trước trung thu, đây là thời điểm các bạn trẻ rủ nhau đến chụp ảnh, bố mẹ cho con đến mua đèn.

Chị Chi nói thêm: "Đối với mình, trung thu đặc biệt nhất còn bởi kí ức lồng đèn "sữa bò". Ngày nhỏ, xóm mình rất nghèo, bọn trẻ con chỉ loanh quanh chơi cùng nhau, lâu lắm mới được một chiếc bánh nướng ăn đã thèm. Cái ăn "đã khó", có lồng đèn để chơi còn khó hơn.

Thấy vậy, tụi nhỏ mới bàn nhau đục lon sữa bò, rồi cắm đèn cầy vào trong. Chiếc lồng đèn "dã chiến" vậy chứ vẫn "ngon lành", toả ra những tia sáng ấm áp, soi rọi niềm vui suốt mùa trăng. Mỗi lần nhớ lại, mình vẫn bồi hồi, tràn đầy cảm xúc. Những kí ức đó theo mình đến khi lớn lên".


Mỗi khi đi xa, người ta vẫn hay nhớ về những mùa trăng đẹp nhất trong miền kí ức của mình. Nơi đó căn chung cư cũ kĩ nhưng đầy tiếng cười của đám nhỏ chạy qua nhà nhau chơi, khi người lớn còn đang trầm ngâm bên chiếc bánh nướng cùng tách trà sóng sánh. Và người lớn, đôi khi vẫn ước mình được bé lại...

Bóng trăng trắng ngà...


Trung Thu Sài Gòn có gì đặc biệt?


Ngày bé, tôi vẫn thường băn khoăn câu hỏi này. Liệu những toà nhà "chọc trời" có che lấp đi ông trăng tròn vành vạnh. Chiếc lồng đèn điện tử nhấp nháy có thú vị bằng lồng đèn giấy kiếng, được uốn bằng những thanh tre chắc chắn. Nhưng, càng lớn, tôi càng tin rằng, Tết trung thu được tạo nên bởi những tâm tình Đoàn viên, bởi văn hoá đậm đà bản sắc, bởi nếp sống, nếp nghĩ... của vùng đất đó.

Lồng đèn giấy kiếng truyền thống


Nhắc đến trung thu, tôi vẫn thường hay nhớ đến lũ bạn trong xóm, xách chiếc đèn lồng chạy qua lại trong con hẻm cụt, reo vui đắm chìm trong một mùa trăng trọn vẹn.

Trung Thu trong lòng mỗi người, có thể là một khúc hát "bóng trăng trắng ngà, có cây đa to"... Hay hình ảnh mẹ tất bật sắp bánh nướng cúng rằm lên bàn thờ, hoặc tiếng í ới gọi xuống đường chơi trung thu của lũ trẻ con.

Chị Thu Hồng (ngụ TP.HCM) kể: "Hồi nhỏ, nhà mình làm lồng đèn truyền thống. Bố mẹ mình xem nghề làm đèn như cuộc sống của họ vậy.


Tuổi thơ của mình dường như không có kì nghỉ hè, vì cứ đến hè nhà mình lại làm lồng đèn. Mình phải phụ giúp bố mẹ làm từ sáng đến tối.


Bố mẹ mình hay đi "chào hàng" mối ở Chợ Lớn. Họ thấy lồng đèn vẽ sạch sẽ, màu sắc bắt mắt nên đã mua số lượng lớn và đặt thêm vào năm sau. Có mối rồi mỗi năm bố mẹ mình đều làm, bán rẻ chút nhưng đỡ cực công bán lẻ.


Trung thu với mình bên cạnh việc làm lồng đèn, còn đặc biệt bởi những kí ức không bao giờ quên. Con nít trong xóm đều tụ tập trước sân nhà mình chơi các trò chơi dân gian… Tụi nhỏ ngồi bên cạnh nhau, ngửa mặt lên trời nhìn bóng trăng soi rọi. Một mùa Trung Thu thật đẹp".


Trung Thu theo kiểu nào cũng được, miễn là mình thấy ấm áp, thấy đoàn viên, thấy những cảm xúc đong đầy trong đêm rằm tháng 8. Đó là Trung Thu của người Sài Gòn.

Chia sẻ Facebook