Kỹ sư Việt ở loạt 'Big Tech' Mỹ: Kinh nghiệm thực chiến quan trọng hơn GPA
Từng là cái tên gây ấn tượng bởi những thành tích học tập “khủng” tại lớp chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Chân Lê sau đó đã trở thành kỹ sư phần mềm tại các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Asana, Facebook, Snap,…
Lê Văn Hồng Chân (1991) hiện là Tech Lead tại Snap - công ty công nghệ lớn tại Mỹ, nơi có nhiều sản phẩm công nghệ được giới trẻ yêu thích, nổi bật là Snapchat và Bitmoji.
“Từ nhỏ đến lớn, mình rất thích những gì liên quan đến công nghệ. Mình thích nhìn thấy những lợi ích của các sản phẩm công nghệ có thể thay đổi cuộc sống con người một cách mạnh mẽ. Đam mê này đã theo mình từ những năm cấp 2, cấp 3 cho đến bây giờ”, Chân chia sẻ.
Chân đang sống và làm việc tại thành phố Seattle (Ảnh: NVCC)
Anh cho rằng, đối với những bạn trẻ mới bước chân vào lĩnh vực này, hãy đến “trung tâm công nghệ” Silicon Valley ít nhất một lần, bởi “nơi đây sẽ cho bạn những người hướng dẫn tài giỏi, cơ sở vật chất tốt, những cơ hội nghề nghiệp quý báu và những điều kiện tốt nhất để phát triển niềm đam mê công nghệ”.
Làm việc ở Mỹ, Chân cảm thấy đây là môi trường khá phù hợp với mình, vì có sự cân bằng và rõ ràng giữa công việc với cuộc sống: “Theo mình, đối với những bạn muốn làm công nghệ thì Mỹ là nơi khá tốt và xứng đáng để các bạn trải nghiệm. Hãy đến Silicon Valley một lần để học hỏi phong thái làm việc chuyên nghiệp, tiếp xúc văn hóa công ty,... Ở Mỹ, các bạn làm việc khá là nghiêm túc, chuyên nghiệp và tập trung”.
“Google là công ty rất lớn, mình khá ấn tượng với Google. Mình chỉ cảm thấy Google hơi “chậm” một chút, bởi vì nó quá lớn nên làm việc gì cũng phải mất thời gian cho các kế hoạch, giấy tờ. Đối với các công ty lớn, làm bất cứ việc gì cũng phải có kế hoạch chi tiết, đi qua từng bước thảo luận, rồi mới bắt tay vào làm”. Đối với chàng kỹ sư 9X, môi trường làm việc ở Google vô cùng chuyên nghiệp nhưng hơi… gò bó.
Trong khi đó, sau thời gian làm việc tại Facebook, Chân nhận định: Nơi đây có văn hóa làm việc “làm trước tính sau”, trao cơ hội để chúng ta có thể trải nghiệm.
“Ở môi trường làm việc tự do sáng tạo như Facebook, anh muốn làm việc gì cũng đều có cơ hội để làm”.
Còn ở Snap, Chân nói: “Văn hóa làm việc ở đây cũng giống như chính sản phẩm mà Snap tạo ra - khá là riêng tư và bảo mật. Nếu như môi trường làm việc ở Facebook và Google khá thoải mái và công khai, thì ở Snap, môi trường mang tính kỷ luật và mọi thứ được kiểm soát kỹ càng hơn”.
Kinh nghiệm thực chiến rất quan trọng
Trong suốt hành trình đến hiện tại, Chân cho rằng bản thân gặp nhiều may mắn khi có được các cơ hội tốt, nhưng bên cạnh đó anh cũng nỗ lực và “trầy trật” không kém để có thể nắm bắt được những cơ hội này: “Mình cảm thấy mình khá may mắn khi có được công việc thực tập đầu tiên ở Microsoft, và từ đây mình mới có tiền đề để bước xa hơn, thử sức mình với những vị trí ở các tập đoàn lớn tiếp theo. Từ đó, những kinh nghiệm này liên tiếp cho mình những công việc khá tốt cho đến hiện tại”.
Theo Chân Lê, phải có sự phối hợp giữa tìm kiếm cơ hội và nỗ lực của bản thân. Từ những lúc chuẩn bị hồ sơ, luyện tập phỏng vấn xin việc đến khi có công việc trong tay, bản thân luôn phải nỗ lực tìm hiểu và chuẩn bị để khi cơ hội đến thì mình mới có thể đạt được nó.
“Trong hành trình đi đến đam mê công nghệ, mình cũng đã bỏ lỡ một vài thứ chưa thể thực hiện được.Trong tương lai, khi mà mình không còn làm tech nữa, thì mình sẽ dành thời gian phát triển những thứ khác chứ không đơn thuần chỉ làm tech”, Chân chia sẻ. (Ảnh: NVCC)
Trước khi đến Mỹ, Chân cũng từng thực tập ở Infosys (Ấn Độ), và nhiều công ty khác tại Hàn Quốc (Chân từng học tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc - KAIST).
Ở vị trí thực tập sinh, anh Chân rút ra cho mình vô số bài học đắt giá. Anh luôn tâm đắc với châm ngôn của Steve Jobs: “You can't connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards” (Bạn không thể kết nối các trải nghiệm trong đời bạn khi nhìn về tương lai; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn về quá khứ). Hành trình thực tập sinh của Chân khá phong phú, mọi công việc không hoàn toàn giống nhau, vì anh cho rằng, phải thử nhiều thứ thì mới biết mình thích gì được.
Đối với Chân, điểm số không quá quan trọng bằng kinh nghiệm thực tế. “Có những thứ bạn không nên quá tập trung vào nó, ví dụ như GPA. Mình đã từng thấy có những bạn GPA chỉ 2.0 thôi nhưng vẫn có được một công việc tốt, nhờ vào kinh nghiệm từ việc thực tập" - Chân nói và cho rằng, không nên quá quan trọng việc cạnh tranh điểm số trong trường học. Điểm số chỉ là một phần, điều mà các công ty muốn xem, đó chính là kinh nghiệm thực chiến từ việc thực tập của ứng viên.
Vì thế, kỹ sư Việt tại Snap cho rằng: “Các bạn trẻ nên đi thực tập thật nhiều khi còn học đại học. Thực tập tại các công ty lớn càng nhiều, các bạn càng có cơ hội làm việc tại Big Tech. Nhưng để được thực tập tại các công ty lớn, các bạn phải chịu khó đi một hành trình từ từ, từ công ty nhỏ rồi đến công ty lớn. Các bạn hãy nỗ lực có cho mình những công việc thực tập đầu tiên, có đầu tiên sẽ làm tiền đề cho bạn có cái thứ hai, thứ ba, và nhiều hơn thế nữa”.
Chân bên cạnh gia đình nhỏ của mình. (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, theo Chân, việc trải nghiệm thực tập sinh đã cho mình nhiều mối quan hệ, mà cho đến tận bây giờ mình vẫn còn giữ liên lạc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
“Always ask for what you want” cũng là một trong những điều mà Chân muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ.
“Mình đừng sợ hỏi, hãy cứ hỏi cái gì mà mình không biết, muốn gì thì phải hỏi, không phải chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống, thậm chí là những dự định mà bạn muốn thực hiện. Mình thấy có nhiều bạn rất sợ hỏi, có thể là vì nỗi sợ “bị từ chối”, nhưng đối với bản thân mình đó không là vấn đề gì lớn”.
“Hỏi là con đường sáng suốt để tìm ra cách giải quyết cho những điều mà mình muốn" - Chân kết luận.
Chân đánh giá, Việt Nam có ưu thế về thị trường, có nguồn nhân lực mạnh để phát triển công nghệ. Blockchain là một ví dụ điển hình, khi Việt Nam là một “điểm sáng” trên bản đồ blockchain thế giới”. “Việt Nam là một quốc gia châu Á có đội ngũ nhân lực mạnh về tin học, lại là một ngành không cần nhiều đầu tư để phát triển.Với những thế mạnh này, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển công nghệ rất mạnh trong vòng những năm sắp tới". |
Phương Uyên