Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022
Hai tác giả được trao giải chính là GS.TSKH Ngô Việt Trung (toán học) và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (hóa học).
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022. Dự Buổi lễ có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học...
Từ năm 2014 đến nay, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội của ngành khoa học và công nghệ, đồng thời là dịp để các bộ, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các cơ chế, chính sách mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giới thiệu thành tựu nổi bật của khoa học và công nghệ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là dịp để tôn vinh, ghi nhận đóng góp của cộng đồng khoa học và công nghệ đối với đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã tri ân, tôn vinh các thế hệ đội ngũ cán bộ quản lý và trực tiếp triển khai hoạt động khoa học và công nghệ, đồng thời khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức rộng khắp cả nước để tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ, kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và ứng dụng giải pháp khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Ngày Khoa học và Công nghệ năm 2022, với quyết tâm toàn ngành chung sức vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" với mong muốn ngành khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ có đóng góp thiết thực, mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phục hồi nền kinh tế.
"Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chú trọng đầu tư đúng mức cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho nghiên cứu, đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng khuyến khích tự chủ, đẩy mạnh kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; tạo điều kiện để nghiên cứu cơ bản thực sự là nền tảng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bền vững đi lên", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Những năm qua, khoa học và công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trên các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước luôn xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để khoa học và công nghệ thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực Hóa học với Công trình: Thiết kế giao diện vùng cứng – vùng mềm với những liên kết động lực Diels–Alder: Hướng đến các cơ tính và tự lành chất lượng cao ở nhiệt độ trung bình. Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới "tự lành" ở Việt Nam.
Khi được mời lên phát biểu, GS.TSKH Ngô Việt Trung nói: "Tôi xúc động vì nhận giải thưởng mang tên người mà tôi vẫn gọi là bác Tạ Quang Bửu, người đã thay đổi cuộc đời tôi". Ông chia sẻ, ít người biết chuyện ông từng phải đi nạng từ bậc phổ thông, dù đủ tiêu chuẩn đi du học, không nước nào muốn nhận. Chính nhờ cố GS. Tạ Quang Bửu can thiệp đã giúp ông sang Đức học toán và điều trị để có thể đi lại như ngày nay. "Giải thưởng này tôi xin kính dâng hương hồn của GS. Tạ Quang Bửu".
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, giải thưởng là nguồn động viên lớn đối với các nhà khoa học. Chị cho biết công trình là một trong số đề tài mà nhóm theo đuổi bắt từ cảm hứng kể từ xu hướng bùng nổ nghiên cứu về vật liệu tự lành trên thế giới. "Những kết quả nghiên cứu của nhóm vẫn ở mức cơ bản bước đầu và con đường đến với ứng dụng thực tiễn còn dài nhưng hiểu biết tích lũy là động lực giúp chúng tôi theo đuổi niềm đam mê".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đại diện Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã trao giải và tặng hoa cho các nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022.
Kể từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành sự kiện quan trọng, thường niên trong dịp Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học có kết quả xuất sắc trong lĩnh vực cơ bản. Năm 2022, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Cơ quan Thường trực Giải thưởng (NAFOSTED) đã nhận được 48 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Từ 48 hồ sơ đề cử/ứng cử, các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã nhất trí đề cử 5 hồ sơ cho giải thưởng chính và giải thưởng trẻ. Hội đồng Giải thưởng đã đề xuất 2 nhà khoa học để Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng chính (Không có giải thưởng trẻ).
Đến nay, đã có 16 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng chính, 4 nhà khoa học được trao tặng giải thưởng cho nhà khoa học trẻ trong tổng số hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022.