Kỷ luật quan chức UB chứng khoán nhà nước: 'Đại phẫu' để không thành 'ung nhọt' đe dọa thị trường
Xung quanh việc kỷ luật loạt quan chức Ủy ban chứng khoán nhà nước, ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình và cho rằng, đây chính là cuộc 'đại phẫu' rất cần thiết để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định khai trừ khỏi Đảng ông Lê Hải Trà , Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn kỷ luật cảnh cáo các ông Vũ Bằng, nguyên chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước; Nguyễn Thành Long, bí thư Đảng ủy sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, chủ tịch hội đồng thành viên sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online , TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho thấy các lãnh đạo cao nhất của Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hà Nội đều đã bị kỷ luật nghiêm minh.
Ông nói kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã buông lỏng quản lý, dẫn đến thị trường phát triển không lành mạnh và để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
"Một số người lo ngại việc xử lý vào thời điểm này có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán nhưng theo tôi, nếu như chúng ta không xử lý thì những vi phạm này sẽ trở thành các ung nhọt và nguy cơ đe dọa thị trường sẽ lớn hơn.
Vì vậy, việc kỷ luật nghiêm minh này cần thiết, buộc phải làm để đảm bảo tính minh bạch, giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững", ông Thụ nêu và chỉ rõ tới đây, các cán bộ này sẽ tiếp tục nhận những hình thức xử lý kỷ luật thích đáng về mặt chính quyền.
TS Thụ cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm minh tiếp tục là cảnh báo nghiêm khắc cho những ai đã, đang hoặc có ý định làm những gì sai trái khiến thị trường xáo trộn hay lũng đoạn như vừa qua.
Tương tự, ông Bùi Văn Xuyền, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật Quốc hội cũng đánh giá việc kỷ luật loạt quan chức, người đứng đầu tại Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng như 2 sở giao dịch Hà Nội, TP.HCM giống như một cuộc "đại phẫu", rất cần thiết nhằm giúp xử lý nghiêm minh các vi phạm, giúp thị trường chứng khoán lấy lại lành mạnh.
Ông nói thời gian qua đã nổi lên nhiều tiêu cực trong thị trường chứng khoán như việc hoạt động không đảm bảo minh bạch theo quy định của Luật chứng khoán hay vấn đề thao túng trên thị trường đã gây ảnh hưởng xấu tới thị trường, niềm tin nhà đầu tư.
"Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan giúp cho nhà nước điều phối, điều tiết, đảm bảo tính minh mạch, an toàn, công bằng... nhưng lại không làm tốt dẫn đến nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán...
Việc xử lý nghiêm minh, nhất là người đứng đầu là chính xác, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn", ông Xuyền nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng đánh giá, việc xử lý nghiêm minh những người đứng đầu Ủy ban chứng khoán nhà nước trên quan điểm "ai có khuyết điểm phải chịu trách nhiệm và ai sai đến đâu xử lý đến đó" là cần thiết, thích đáng.
Ông chỉ rõ, các biện pháp quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với cơ quan quản lý chứng khoán là cần thiết, đáp ứng được mong mỏi của dư luận và giúp môi trường hoạt động của lĩnh vực này ngày càng trong sạch, phát triển bền vững, đặc biệt, làm ổn định tâm lý nhà đầu tư, khắc phục "bong bóng" chứng khoán.
Trước đó, thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định việc để xảy ra những sai phạm và phải xử lý sai phạm ở Ủy ban chứng khoán nhà nước là điều hoàn toàn không mong muốn và thật rất đáng tiếc.
Ông nêu rõ, "sai thì phải sửa" và điều quan trọng là nhìn đúng bản chất những vấn đề còn tồn tại, để khắc phục một cách hiệu quả nhất và giữ vững niềm tin về tương lai phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về phía Bộ Tài chính, ông Chi cho biết Bộ và các đơn vị liên quan sẽ chấp hành nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc và nỗ lực cao nhất để khắc phục những sai phạm, tồn tại đã được nêu ra.
Chiều 18-5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Hải Trà - bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.