'Kỳ lân' công nghệ qua thời hoàng kim
Các startup 'kỳ lân' từng trở thành niềm cảm hứng đánh dấu sự thành công ở Thung lũng Silicon. Nhưng khi 'tiền rẻ' không còn, các startup 'kỳ lân' cũng thoái trào.
BeReal - mạng xã hội của giới trẻ đang nổi lên như một sự thay thế cho Instagram - mới hoàn tất việc huy động vốn. Đây là cột mốc quan trọng trên con đường thành công của bất kỳ startup nào, theo Washington Post.
BeReal có đầy đủ yếu tố của một startup gây tiếng vang, như Snapchat, Clubhouse và Pinterest trước đây. Nó nổi tiếng trong cộng đồng sinh viên đại học và thậm chí vượt mặt TikTok trên kho ứng dụng của Apple.
Tuy vậy, trong một báo cáo công bố vào tháng 10/2022, các nhà đầu tư chỉ định giá BeReal ở mức 600 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá 1 tỉ USD - điều kiện cần để một startup được gọi là 'kỳ lân'.
1 tỉ USD dường như là một ván cược lớn, nhưng trong suốt nhiều năm qua danh hiệu kỳ lân đã giúp nhiều công ty mới thu hút được nhân viên và giới truyền thông, tạo cơ hội cho những người sáng lập theo đuổi ý tưởng mới và thu hút nhiều đối tác tiềm năng.
Nhiều startup thành công như Airbnb và Uber còn gây chấn động các ngành công nghiệp truyền thống vốn dựa vào các nhà đầu tư có hầu bao lớn để bù thua lỗ khi không thể cạnh tranh.
Nhưng trường hợp của BeReal lại đại diện cho một thực tế mới ở Thung lũng Silicon.
'Kỳ lân' công nghệ thoái trào
Trong bối cảnh nhân viên nghỉ việc hàng loạt, nhiều vị CEO từ chức và tình trạng thắt lưng buộc bụng diễn ra ở nhiều công ty công nghệ có tiếng, các nhà đầu tư giờ chỉ liệt ra khoảng 25 công ty có định giá trên 1 tỉ USD trong quý 3 năm 2022, theo công ty nghiên cứu đầu tư mạo hiểm CB Insights. Cách đây 1 năm, con số kỳ lân này cao gấp 5 lần.
Những cơn địa chấn đang quét qua lĩnh vực công nghệ cuối cùng có thể gây ảnh hưởng tới sức sáng tạo và giảm sức cạnh tranh trong một ngành công nghiệp đang được thống trị bởi các công ty Big Tech bao gồm Apple, Google, Facebook và Amazon.
Trong lúc lãi suất tăng cao cùng quan ngại về suy thoái toàn cầu tác động đến nền kinh tế Mỹ, các công ty công nghệ lớn và nhỏ đều giảm thuê nhân công, cắt giảm các khoản đầu tư mới.
Giám đốc điều hành của Google đòi hỏi nhân viên của mình phải thể hiện sức cạnh tranh của mình trong công việc. Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ - vốn tăng đều đặn trong thập kỷ trước – vẫn đang dò đáy.
Về lý thuyết, các công ty kỳ lân đại diện cho những ý tưởng có phần viễn tưởng, giúp Thung lũng Silicon có được điều kỳ diệu tiếp theo, ngoài trừ tiền mã hóa, Web3 và thực tế ảo vốn đã ngốn hàng tỉ USD vốn đầu tư nhưng lại chưa thể cất cánh.
Các nhà đầu tư từng có thời ăn nên làm ra, như công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, bên đầu tư vào BeReal trong vòng gọi vốn đầu tư, đã rút các khoản đầu tư của họ.
Lượng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các startup ở giai đoạn tăng tốc (late-stage) đã giảm gần 50% trong quý 3/2022 so với quý liền trước, theo công ty nghiên cứu PitchBook Data. Một số công ty còn đang chuẩn bị tinh thần để chuyển sang chế độ tồn tại.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, startup 'kỳ lân' có mức định giá 1 tỉ USD đã trở thành dấu ấn thành công đầy cảm hứng ở Thung lũng Silicon . Nó phản ánh sự dồi dào và lạc quan của các nhà đầu tư về một thời kỳ rực rỡ kéo dài của các startup công nghệ.
Các nhà đầu tư nhất trí về việc cam kết đầu tư một khoản tiền nhất định để rót vốn cho startup, giúp nó phát triển, đổi lại họ sẽ nắm giữ một lượng cổ phẩn trong công ty.
Việc định giá công ty được tính toán bằng số tiền mà một nhà đầu tư chi ra để mua một cổ phần – ví dụ, 10% cổ phần với mức giá 100 triệu USD sẽ giúp một startup được định giá 1 tỉ USD. Nhưng giá trị đó chỉ ở trên giấy tờ, và không có gì đảm bảo rằng công ty đó sẽ thực sự có mức giá thật như vậy.
Nhiều 'kỳ lân' công nghệ chưa bao giờ thực hiện được như kỳ vọng. Có thời điểm, công ty chia sẻ không gian văn phòng WeWork từng được giới đầu tư định giá 49 tỉ USD, nhưng giờ nó được giao dịch công khai trên thị trường cổ phiếu với giá chỉ 2 tỉ USD.
Tương tự, công ty xét nghiệm máu Theranos từng được định giá 10 tỉ USD trong giai đoạn đỉnh. Trong tháng 1 năm nay, người sáng lập của nó, Elizabeth Holmes bị kết án vì tội lừa đảo các nhà đầu tư.
Tương lai nào cho các 'kỳ lân'?
Tuy nhiên, khái niệm về "kỳ lân" vẫn sẽ còn được sử dụng lâu dài ở Thung lũng Silicon, và những công ty nào nhận được danh hiệu này đều thu hút được những nhân viên và nhà đầu tư tốt nhất.
Các công ty mạo hiểm, đầu tư tiền cho các công ty trẻ với hy vọng sẽ gặt hái thành quả lớn, từ trước đến nay thường thu về những khoản tiền lớn chỉ từ một số ít những công ty mà họ đã đầu tư.
Tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá đã giúp những công ty như Facebook, Google và Amazon trở thành những công ty thống trị trong lĩnh vực công nghệ hiện nay. Trong suốt nhiều năm, những công ty như vậy thường ít khi có lợi nhuận hoặc có ít lợi nhuận, chủ yếu là tái đầu tư số tiền họ kiếm được vào hoạt động kinh doanh.
Nhưng đến cuối cùng, họ vẫn trở thành một trong số những công ty có giá trị lớn nhất thế giới, biến những nhà đầu tư thời đầu bị mắc kẹt với họ thành những tỉ phú.
Lượng tiền khổng lồ được tạo ra khi những công ty này bắt đầu phát hành cổ phiếu thậm chí còn thu hút được những nhà đầu tư mạo hiểm lớn hơn, trong đó bao gồm các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia hay những quỹ đầu tư tư nhân khổng lồ.
Năm 2021, các công ty kỳ lân được thành lập với tốc độ hơn 2 công ty/ngày, theo CB Insights, không khác gì một khu chợ.
Nhưng đến khi chính phủ các nước nâng lãi suất trong năm nay để kiềm chế lạm phát, các nhà đầu tư lớn, như các quỹ hưu trí và quỹ đầu tư quốc gia, đã rời khỏi thị trường đầu tư mạo hiểm để tập trung hơn vào các khoản đầu tư dài hạn ít rủi ro, theo Kyle Stanford, chuyên gia phân tích đến từ hãng PitchBook Data.
"Không có đủ lượng vốn để thực sự tạo ra các khoản đầu tư hình thành nên các kỳ lân," Stanford nói.
Các startup công nghệ từ lâu đã trợ giá để đảm bảo được đà tăng trưởng nhanh hơn. Thậm chí cuối cùng vẫn phải tăng giá, nhưng các startup khác cùng với nguồn tiền mới vẫn thường phải trợ giá sản phẩm nếu muốn chen chân vào các thị trường đông đúc.
Nhưng giờ hành động kiểu vậy đã ít đi. Người tiêu dùng vốn đã quen với mức phí giao đồ ăn hay các loại hàng hóa khác thấp, giờ sẽ không thấy lựa chọn đó nữa.
Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Các startup trí tuệ nhân tạo (AI) đang thu hút được nhiều sự quan tâm cùng với nguồn vốn đầu tư, nhờ vào tác động của một số bước đột phá trong công nghệ ở lĩnh vực này.
Stability AI, công ty tung ra phần mềm có thể tạo lập hình ảnh từ văn bản, đã huy động được hơn 100 triệu USD tại một vòng định giá 1 tỉ USD, theo Bloomberg.
Người sáng lập WeWork, Adam Newmann, mới đây nhận được khoản đầu tư 350 triệu USD cùng định giá 1 tỉ USD cho startup bất động sản mới của mình./.
Theo Washington Post