Kỳ lạ bao báp cổ thụ trên đỉnh núi ở Hà Tiên

Chia sẻ Facebook
15/05/2022 14:21:20

Cơn mưa tháng 5 vội vã rớt hạt rồi vội vã ngưng giúp cho cây bao báp khổng lồ hơn 100 tuổi trên đỉnh núi Lầu Ba (còn gọi đồi Ngũ Hổ ở TP Hà Tiên - Kiên Giang) lún phún lộc lá non xanh mơn mởn sau bao ngày trơ cành soi bóng vì nắng nóng.

Ngót hơn 100 năm qua, cây bao báp khổng lồ này vẫn bề thế xanh tốt trên đỉnh núi Lầu Ba (TP Hà Tiên) - Ảnh: C.CÔNG


Cành nhánh càng đâm chòi nảy lộc càng cho thấy sức sống diệu kỳ như "trường sinh bất tử" của cây bao báp ( Adasonia digitata ) xứ châu Phi với tuổi đời ngót hơn 1 thế kỷ này, khi một mình "lạc" đến ngự trị trên đỉnh núi Lầu Ba.


Cây bao báp khổng lồ ở châu Phi "lạc" sang đất Việt

Gọi cây bao báp khổng lồ cũng chẳng ngoa tí nào, vì theo thượng tá Huỳnh Công Bình - phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự TP Hà Tiên (Kiên Giang), đến nay cây bao báp này luôn vững chãi với dáng thế, tàn nhánh rất "khủng".

Cây hiện có thân láng bóng, chiều cao khoảng 40m, tán cây có dáng gần giống như chiếc dù với độ xòe rộng cỡ 60m, hoành thân 6,4m, hoành gốc 9m, nhiều vòng tay ôm không xuể.

Thượng tá Bình cho rằng thông thường tháng 9 đến tháng 10 hằng năm cây bao báp khổng lồ này sẽ ra hoa (hoa màu trắng trổ tua tủa xuống đất rất đẹp). Một tháng sau đó (tháng 11), hoa sẽ kết trái. Trái còn nhỏ có màu xanh, và khi chín trái bao báp chuyển sang màu nâu cánh gián.

Mới bước qua tháng 5, nhưng lúc chúng tôi đến lại ngay thời điểm cây ra lá xanh tốt sau mấy trận mưa. Cành nhánh của cây có chỗ lác đác một vài trái đu đưa trong gió. Cây có trái mùa này khó ai có thể lý giải được.

Cũng có người nghĩ do thời tiết đổi thay, mưa nắng xen kẽ bất thường, hay liệu đó có phải là cách mà cây "trả ơn" cho các anh chiến sĩ ở đây đã dày công đêm ngày chăm sóc.

"Hằng ngày có anh em chiến sĩ chăm sóc cây. Cành nhánh nào khô héo chúng tôi sẽ tỉa và loại bỏ cây tầm gửi đi để cây ra nhánh mới. Ở đây, mùa nắng nóng lắm nên đơn vị phủ lớp mùn rồi trồng hoa mười giờ xung quanh giúp gốc cây bao báp luôn giữ độ ẩm..." - sờ vào mặt ngoài láng mịn của thân cây, thượng tá Bình vui vẻ nói.

Và chúng tôi nghĩ ở giữa ngọn núi Lầu Ba, cây bao báp "khổng lồ" này sẽ cô đơn biết mấy nếu thiếu đi hơi ấm của người chăm sóc.

Cây bao báp ra chồi lá non, kết trái ngay trong mùa nắng


"Hữu duyên" ươm được 5 cây bao báp nhỏ

Nguồn gốc cây bao báp khổng lồ này, chúng tôi hỏi các bậc cao niên ở địa phương, cũng không ai rõ. Duy nhất ông Dương Văn Thân, nguyên chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự TP Hà Tiên (Kiên Giang), thổ lộ từng nghe loáng thoáng các bô lão ngày xưa nói cây bao báp này có mặt từ thời ông Quan Ba (thời Pháp).

Năm 2008, khi ông Thân chính thức về công tác ở Ban chỉ huy quân sự Hà Tiên thì cây đã to và rất bề thế. "Cây to lắm nên chúng tôi không thể di dời đi được vì nhiều lý do. Gốc cây này lúc đó khoảng 6 chiến sĩ ôm muốn không xuể rồi", ông Thân cho biết thêm.

Có lẽ thuận trời, thuận tiết nên cây bao báp trên đỉnh núi Lầu Ba xưa nay hoa trái lúc lỉu. Do tại thời điểm đó hổng biết đến giá trị của cây nên ông Thân cho rằng cũng ít ai quan tâm nhân giống, ươm cây con. Hết xuân qua rồi hạ đến, bao mùa cây ra hoa rồi kết trái, trái chín rồi lặng thầm rơi rụng xuống đất.

Sau này, ông Thân mới biết nguồn gốc cây ở châu Phi nên mới tìm cách nhân giống. Tuy nhiên, do "tay ngang" nên việc ươm giống cây bao báp của ông Thân cũng chẳng làm gì cầu kỳ.

Giản đơn chỉ lựa trái chín của cây, ông đập vỏ ra lấy hột ươm đại xuống đất rồi tưới nước. Cây có lẽ "hữu duyên" với người nên những hạt giống tự tay ông Thân gieo trồng cũng bắt đầu xiên qua lớp đất đá khô cằn nảy mầm lên 5 cây con.

"Trước tôi, có anh Ba Tân ươm được 9 cây. Sau đó, năm 2009 tôi may mắn ươm được 5 cây bao báp con nữa. Kể từ đó đến nay không ai ươm hạt giống cây này lên. Tôi chẳng biết lý do gì luôn?", ông Thân chắc nịch nói hổng biết cây có "giận dỗi" gì không mà nhiều người sau này lượm hạt ươm đủ cách cũng hổng lên.

Dẫn chúng tôi đi "mục sở thị" những vết sẹo trên cây, ông Thân nói thêm những vết sẹo này do có nhiều người nghiên cứu ở TP.HCM xin thử nghiệm chiết cành cây về trồng nhưng không thành công.

Ông Thân cho hay ở TP Hà Tiên hiện còn khoảng 6 cây bao báp nhỏ (có 2 cây trồng ở Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các). Các cây con này là hậu duệ của cây bao báp khổng lồ cổ thụ đang gắn kết yêu thương với đất và người Hà Tiên lộng gió.


Gìn giữ cây cho mọi người nghiên cứu, chiêm ngưỡng

Cây bao báp nhỏ được ươm trồng ở Nhà tưởng niệm Tao đàn Chiêu Anh Các (TP Hà Tiên)

Bà Nguyễn Thị Minh Trang - thành ủy viên, trưởng Phòng văn hóa và thông tin TP Hà Tiên (Kiên Giang) - cho biết hiện cây bao báp hơn 100 năm tuổi này rất có giá trị nên đơn vị đã báo cáo với UBND và đề xuất Sở Văn hóa và thể thao Kiên Giang lập hồ sơ để gìn giữ, bảo tồn và công nhận là cây di sản.

"Cây bao báp này rất hiếm và đẹp. Việc đăng ký hồ sơ được công nhận cây di sản Việt Nam sẽ góp phần thiết thực trong việc bảo tồn nguồn gene quý, phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố và là điểm đến cho các nhà nghiên cứu sau này", bà Trang nói.


Cây có thể tự chữa lành vết sẹo chiến tranh

Gốc cây bao báp có đường kính nhiều vòng tay người ôm

Đi qua những cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt, cây bao báp ở TP Hà Tiên như một chứng nhân lịch sử khi thân cây hứng chịu nhiều bom đạn. Thân cây này đến nay vẫn còn đầy vết sẹo nhỏ, sẹo to.

Chỉ vết sẹo trên thân cây, thượng tá Huỳnh Công Bình cho hay lúc ông biết cây bao báp này thì trên thân cây nhiều chỗ có những vết sẹo do trúng bom đạn thời chiến. Qua năm tháng, cây lớn lên rồi tự thân chữa lành vết thương cho mình.

Theo Thảo cầm viên Sài Gòn, hiện ở đây có ba cây bao báp và tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có một cây. Chúng đều được mang từ châu Phi về và đã trên 10 năm tuổi. Cây thuộc họ gạo (Bombacaceae), có tên khoa học là Adasonia digitata L., có chiều cao từ 5-20m và có thể chứa tới 120.000 lít nước trong “bụng” để chống chọi với những đợt hạn hán khắc nghiệt.

Chia sẻ Facebook