Komuro Kei đỗ kỳ thi luật sư tại Mỹ, tương lai sắp tới của vợ chồng cựu phò mã Nhật sẽ ra sao?
Mặc dù việc đỗ kỳ thi luật sư tại bang New York là một tin vui với vợ chồng cựu Nội thân vương Nhật, họ cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới.
Vậy là đã tròn 1 năm cặp vợ chồng cựu Nội thân vương Mako - Komuro Kei bước chân vào hôn nhân và ổn định cuộc sống mới. Gần đây, họ cũng đã đón một tin vui khi sau 2 thất bại, lần này, Komuro đã thành công lấy được chứng chỉ luật sư sau kỳ thi luật (Bar Exam) tại bang New York, Mỹ.
Trong khi chồng theo đuổi sự nghiệp luật sư và đang có những thành công bước đầu, Mako cũng tỏ ra khá hạnh phúc với cuộc sống mới khi tiếp tục niềm đam mê và hoạt động tình nguyện tại Bảo tàng Metropolitan.
Hiện tại, cặp đôi cũng đang có cuộc sống khá thoải mái khi sinh sống tại căn hộ với giá thuê khoảng 4.000 USD ở khu Hell’s Kitchen trong thành phố New York. Sắp tới, khi thu nhập của Kei tăng lên, có khả năng cặp đôi sẽ chuyển tới một khu vực cao cấp hơn và đón mẹ chồng tới sống cùng.
Đó là chưa kể, giờ đây vị thế của người con rể đối với Hoàng thất Nhật sẽ được cải thiện đáng kể khi anh chứng tỏ được năng lực và khả năng lo cho tương lai của cặp đôi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không có ít thách thức phía trước đang đón chờ cặp đôi Hoàng thất
Chia sẻ trên tờ Nikkei, giáo sư trợ giảng Stephen Givens tại Trường luật Đại học Keio ở Tokyo, người có 20 năm kinh nghiệm tư vấn nghề nghiệp cho các luật sư Nhật giành được bằng tại Mỹ, cho biết Komuro sẽ đối diện với những thách thức mới.
Theo ông, có 2 trường hợp những người Nhật hành nghề luật sẽ đối diện. Một là nếu họ đã giành được chứng chỉ luật sau khi thành công ở kỳ thi luật trong nước và được công nhận là “bengoshi”, việc lấy bằng Mỹ giống như “hổ mọc thêm cánh” và sẽ giúp họ càng có thêm uy tín. Trường hợp hai là khi luật sư Nhật không thi lấy chứng chỉ trong nước mà chỉ lấy chứng chỉ Mỹ để hành nghề tại nước này - đây là trường hợp ông thường khuyên họ không nên làm theo.
Yếu tố đầu tiên khiến một người Nhật gặp bất lợi khi hành nghề tại Mỹ chính là ngoại ngữ. Mặc dù việc đỗ kỳ thi bar chứng tỏ Komuro cũng có năng lực xuất chúng trong tiếng Anh khi bài thi này đòi hỏi lượng kiến thức chuyên ngành và vốn ngôn ngữ vô cùng phức tạp, nhưng vẫn sẽ rất khó để anh cạnh tranh được với trình độ ngôn ngữ của các luật sư bản địa - những người đã dành cả đời sinh sống tại Mỹ và đắm chìm trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Komuro mới chỉ du học Mỹ từ năm 2018 khi anh gia nhập Đại học Fordham và trước đó anh vẫn sống tại quê nhà Nhật Bản.
Dù thi đỗ, sắp tới anh sẽ đối diện nhiều khó khăn mới (Nguồn: Daily Mail)
Theo giáo sư Givens giải thích, các trường hợp thực tế trong hành nghề luật như việc đọc qua hàng trăm trang tài liệu tòa án, điều khoản thuế và tìm cách lập luận vừa vững chắc, vừa khôi hài mà gần gũi khi tranh tụng, cũng như tìm kiếm ra các lợi thế dù là nhỏ nhất cho thân chủ… đều là các kỹ năng yêu cầu vốn ngôn ngữ gần như “siêu phàm” từ mọi ứng viên, nhất là trong một ngành nặng cạnh tranh như luật - khả năng Komuro có thể “đấu lại” các ứng viên bản địa trên địa hạt này là rất khó.
Một lý do nữa khiến các luật gia Nhật hành nghề tại Mỹ gặp khó khăn chính là ở vấn đề chuyên môn. Giáo sư Givens đặt ra câu hỏi tại sao một luật gia Nhật không thi kỳ thi chứng chỉ tại quê nhà mà lại thi tại Mỹ?
Khả năng cao là vì kỳ thi tại Nhật khó hơn. “Sinh viên Nhật đặt mục tiêu lấy chứng chỉ Mỹ thường làm vậy vì thiếu tự tin rằng họ có thể đỗ được kỳ thi luật tại chính quốc gia mình” - ông viết. Suy đến việc kỳ thi tại Nhật vốn được thực hiện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của ứng viên, nhận định của giáo sư phần nào chỉ ra rằng kỳ thi này thực ra có mức độ “khủng khiếp” đến mức nào.
Một yếu tố nữa, các luật gia từ Nhật vốn khó cạnh tranh với dân bản địa trong khi hành nghề cùng khách hàng Mỹ, với vốn tiếng Nhật và sự thông thạo văn hóa Nhật của mình, họ thường sẽ nhắm đến thị trường Nhật trong các dịch vụ pháp lý liên quan đến đầu tư và thương mại với quê nhà.
Nhưng kể cả vậy, thị trường pháp lý quốc tế ở Nhật có tính cạnh tranh khốc liệt và đã thu hẹp dần trong suốt 30 năm qua kể từ bong bóng kinh tế vỡ đầu những năm 90.
Không chỉ có ít công việc hơn, kỹ năng tiếng Anh được cải thiện trong 3 thập kỷ qua đồng nghĩa với việc sẽ có ít khách hàng Nhật Bản cần người trung gian song ngữ để làm cầu nối liên lạc với các luật sư Mỹ đang thực hiện công việc thực tế trong các giao dịch. Internet, Zoom và các nền tảng dịch thuật AI tinh vi đang nhanh chóng làm xói mòn giá trị kinh tế của các trung gian song ngữ đảm nhận bởi các luật sư gốc Nhật để phục vụ chức năng pháp lý.
Tuy nhiên, cũng như giáo sư Givens trình bày, có một điều chúng ta phải công nhận rằng Komuro thực sự có năng lực và ý chí khi anh làm được điều mà không phải người nước ngoài nào cũng làm được, là lấy bằng luật sư tại Mỹ - điều mà cả dân bản địa hay thậm chí “con ông cháu cha” các danh gia vọng tộc tại Hoa Kỳ còn phải chật vật.
Cặp đôi trẻ đã chứng minh họ có bản lĩnh để tự lập (Nguồn: Daily Times)
Đó là chưa kể áp lực khủng khiếp từ phía truyền thông đối với cặp đôi. Đối mặt với tất cả những khó khăn đó cần rất nhiều bản lĩnh. Với những phẩm chất như vậy, chúng ta có cơ sở tin rằng Komuro sẽ có thể vượt qua những khó khăn trùng điệp kể trên.
Một điều họ thể hiện rất tốt là, đối diện với một cặp đôi Vương thất từ châu Âu cũng chuyển sang Mỹ, họ không dựa vào truyền thông để gây thanh thế hay kiếm tiền mà thay vào đó là dựa vào chính tài năng và bản lĩnh của bản thân.
Cuối cùng, theo giáo sư Givens, có một địa hạt có thể kết hợp năng lực luật của Komuro và đam mê nghệ thuật của vợ anh, chính là lĩnh vực tư vấn cho các nghệ sĩ Nhật Bản tại Mỹ, thay vì lựa chọn truyền thống là trong ngành kinh doanh quốc tế.