Koch Industries - tập đoàn gia đình lớn thứ hai nước Mỹ - vẫn ở yên tại Nga sau khi hàng trăm công ty Mỹ rút đi

Chia sẻ Facebook
22/03/2022 18:17:45

Koch Industries là tập đoàn công nghiệp lớn thứ hai Hoa Kỳ với doanh thu 115 tỷ USD. Đây là một trong những doanh nghiệp đang bất chấp áp lực dư luận để tiếp tục hoạt động sản xuất và buôn bán ở Nga. Cho đến trước thứ tư vừa rồi, tập đoàn không đưa ra ý kiến nào về tình hình tại Ukraine.


Tập đoàn có trụ sở tại Wichita, Kansas này có triển khai một số lĩnh vực kinh doanh tại Nga. Theo giáo sư đại học Yale Jeffrey Sonnenfed và cộng sự, đây cũng là một trong 40 công ty từ chối giảm cường độ hoặc dừng kinh doanh tại đất nước này.


Guardian Industries, công ty con của Koch, có hai nhà máy sản xuất kính tại Nga với 600 công nhân. Ngoài Guardian, Koch cũng tuyển 15 người ở Nga, theo công ty này chia sẻ.


"Mặc dù việc kinh doanh của Guardian ở Nga chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tập đoàn Koch, chúng tôi sẽ không bỏ lại nhân viên của mình ở đó hay giao lại các cơ sở sản xuất này cho chính quyền Nga." - Dave Robertson, chủ tịch và giám đốc điều hành tại Koch Industries, tuyên bố vào thứ Tư trong một thông cáo của công ty.


Robertson cũng thêm rằng công ty hiện đã hỗ trợ tài chính cho công nhân đến từ Ukraine và gia đình họ. Công ty cũng hỗ trợ những nhân viên bị ảnh hưởng đến từ các quốc gia lân cận.

Ông cho biết thêm: "Các công ty của Koch đang tuân thủ theo tất cả luật pháp và quy định quản lý các quan hệ kinh doanh và giao dịch ở tất cả quốc gia nơi mình hoạt động." "Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát sát sao tình hình và cập nhật cho mọi người nếu cần thiết".

Quan điểm của công ty đã nhận một số ý kiến trái chiều. Nhà báo Jane Mayer của tờ New Yorker, tác giả "Dark Money", cuốn sách viết về quyền lực ngầm của Koch, cho rằng lý do công ty này đưa ra là đạo đức giả.

"Nhìn vào quy mô quá nhỏ của công ty Koch ở Nga, khó mà không thấy được đây chỉ mang tính biểu tượng. Nó muốn gửi đến thông điệp với tất cả mọi người rằng tiền mới là cái Koch quan tâm."


Phản đối cấm vận

Theo Popular Information, các nhóm vận động do tỷ phú Charles Koch tài trợ phản đối cấm vận diện rộng với Nga.

Thay vào đó, Stand Together, một tổ chức phi lợi nhuận của Charles Koch, "ủng hộ hình thức cấm vận có chọn lọc với Nga" để đáp lại hành động quân sự của nước này tại Ukraine. "Chúng tôi tin rằng cấm vận là một công cụ chính trị đúng đắn. Tuy nhiên, cấm vận diện rộng không hề mang lại được kết quả chính sách mong muốn." - Dan Caldwell, phó giám đốc đối ngoại của tổ chức, đăng trên tweet vào thứ Hai vừa qua.

Caldwell trước đó cũng đề xuất rằng nước Mỹ cần giữ thế trung lập trong căng thẳng tại Ukraine.

Thông điệp tương tự cũng đến từ Will Ruger, chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế Mỹ (AIER), một nhóm khác do Charles Koch tài trợ. Ông nhận định trong một lần trả lời phỏng vấn với Reason Magazine: "Nước Mỹ có khả năng và nên hạn chế can thiệp thật ít vào Ukraine. Ukraine đơn giản là không quan trọng với an ninh và thịnh vượng của Mỹ".

Chia sẻ Facebook