Kịp thời cứu sống bé 8 tháng tuổi bị ngạt nước trong thùng đựng nước của gia đình
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa cứu sống bệnh nhi H.V.S., 8 tháng tuổi, bị ngạt nước do ngã vào thùng đựng nước của gia đình.
Bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng tím tái toàn thân, dấu hiệu sinh tồn không bắt được, bụng chướng và được chẩn đoán là ngừng hô hấp tuần hoàn do đuối nước ở mức độ nặng.
Các y bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện ép tim, bóp bóng qua nội khí quản, đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở oxy, rất may sau 15 phút bệnh nhi đã có nhịp tim trở lại.
Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Đơn nguyên Hồi sức tích cực chống độc - Nhi - Sơ sinh và được điều trị tích cực.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh hơn, tự thở được và được rút ống. Hiện, bệnh nhi đã phục hồi gần như hoàn toàn và chưa có dấu hiệu di chứng nào.
Được biết, vì sơ suất trong lúc người nhà rời mắt, bệnh nhi đã lại gần thùng đựng nước không may ngã cắm đầu vào thùng. May mắn bệnh nhi được phát hiện sớm, nhà rất gần bệnh viện nên đã được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Trường hợp bệnh nhi trên là một lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh không nên để trẻ rời xa tầm mắt. Không chỉ có ao, hồ, sông biển nguy hiểm mà chính những vật dụng hằng ngày hiện diện trong gia đình cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ.
Theo các bác sĩ, thời tiết mùa hè nóng bức, nhu cầu đi bơi của người dân cũng tăng lên, đây cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng. Với bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước của trẻ hoặc do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn trong quản lý, giám sát đã dẫn đến việc xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.
Việc dạy bơi và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước, bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em rất cần được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Cũng theo các bác sĩ còn cho biết thêm, phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn.