Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực
Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Sáng 23/5, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm nay.
Theo cáo cáo của Chính phủ, có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.
Những tháng đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc, tới nay Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, trên 217 triệu liều. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát với chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm ngoái. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 657 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: "Thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ triển khai kịp thời như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai".
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm, có trên 80.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Tính cả năm ngoái và 4 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 49,6 triệu lượt người lao động, 728,4 nghìn lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 81,6 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả tích cực; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Về những tồn tại, hạn chế, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai còn chậm.
"Công tác phân tích, đánh giá, dự báo còn hạn chế; tính chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở một số cấp, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao, có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, thiếu linh hoạt. Tính tự chủ tự lực tự cường ở một số Bộ, ngành địa phương chưa cao; công tác phối hợp giữa một số Bọ, ngành địa phương chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ đã xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Một trong những công việc quan trọng mà Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát.
"Đẩy mạnh tăng thu Ngân sách Nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Chính phủ cũng sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả. Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh; Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.