Kinh tế Việt Nam giữ vững tăng trưởng trong thế giới bất ổn

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 09:44:38

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cho dù nguy cơ suy thoái toàn cầu đang có nhiều diễn biến khó lường.


Thông tin trên là một trong những đánh giá của các tổ chức quốc tế về kinh tế Việt Nam trong 10 tháng qua. Đặc biệt các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" giúp tạo đà phục hồi kinh tế - xã hội.


Với tiêu đề "Tại sao con hổ Việt Nam lại thể hiện sức mạnh sau đại dịch?", trang tin tức Gavroche Thái Lan cho rằng, cùng với Indonesia Việt Nam đang trở thành quốc gia có một nền kinh tế trỗi dậy của châu Á. Việt Nam đang nổi lên là trung tâm sản xuất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi nỗ lực tự do hóa kinh tế và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu .

Ông Ramond Mallon - chuyên gia Kinh tế Australia đánh giá: "Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, thâm hụt được kiểm soát nhờ chính sách tài khóa tốt. Lạm phát được kiềm chế tốt. Điều này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng. Tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn càng làm nổi bật những kết quả kinh tế mà Việt Nam đạt được".

Kinh tế Việt Nam giữ vững tăng trưởng trong bất ổn thế giới. Ảnh minh họa.

Hãng tin Sputnik của Nga đăng tải bài viết lý giải tại sao Việt Nam đạt kỷ lục về xuất nhập khẩu. Trong đó, 10 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu 9,4 tỷ USD với 8 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. Có được điều này nhờ việc sớm kiểm soát được dịch COVID-19 và xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.


Ngoài ra, các tổ chức kinh tế quốc tế cũng đánh giá cao sau 1 năm khi Nghị quyết 128 được ban hành. Tình hình kinh tế - xã hội của cả nước đã phục hồi nhanh chóng và phát triển trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực và ấn tượng.


Ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định: "Mọi thành công của kinh tế Việt Nam hiện nay đều không thể trở thành hiện thực nếu Nghị quyết 128 không được ban hành. Nghị quyết đã mang lại nhiều niềm tin cho người dân và các doanh nghiệp rằng Chính phủ đã có kế hoạch chống dịch và phát triển kinh tế. Nghị quyết cũng đã mang lại niềm tin rằng, dù trong thời khắc đen tối nhất vẫn có ánh sáng nơi cuối đường hầm".


Ông Denis Brunetti - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam nhận xét: "Chính phủ đã có một quyết định rất táo bạo, một quyết định chiến lược với một tầm nhìn xa trong phòng chống dịch bệnh cũng như phát triển kinh tế và rõ ràng là quyết định đó đã rất thành công. Nghị quyết 128 đã mang lại cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế và đã mang lại mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng sau 1 năm thực hiện nghị quyết".


Nghị quyết 128 đã tạo sự linh hoạt trong phòng chống dịch và trong phát triển kinh tế. Một mặt, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn liền với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; mặt khác, kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo tiền đề cho khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

"Một điều quan trọng mà chúng ta nên nhớ lý do mà Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là môi trường kinh doanh ổn định mà Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực duy trì. Nghị quyết 128 chính là biện pháp hiệu quả nhất và được ban hành đúng thời điểm", ông Thue Quist Thomasen - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam cho hay.


Ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nhận định: "Chúng tôi vẫn nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam và Việt Nam có thể tận dụng được tốt hơn các cơ hội. Vì vậy, dù nền kinh tế toàn cầu có sự ảm đạm, tôi cho rằng Việt Nam đang làm rất tốt và tiếp tục làm tốt hơn rất nhiều các quốc gia khác".


Trang Sohu của Trung Quốc có bài viết với tựa đề "10 lý do đầu tư vào Việt Nam" bao gồm: Vị trí địa lý rất thuận lợi, ổn định chính trị, chính sách mở cửa đối với doanh nhân nước ngoài, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao và chi phí khá rẻ, nền kinh tế phát triển, tài nguyên thiên nhiên phong phú chưa được khai thác, môi trường pháp lý được cải thiện đáng kể, biến hội nhập thành cơ hội.

Chia sẻ Facebook