Kinh tế Việt Nam có thể phục hồi như trước dịch sau 12 tháng nữa
Theo tính toán của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn tái tạo, sẽ mất một thời gian nữa để đạt được sự phục hồi và tăng trưởng như trước khi có COVID-19 vào năm 2019.
Thông số này được Nielsen công bố tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (Vietnam Online Business Forum - VOBF 2022) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 10-5.
Cũng theo khảo sát của Nielsen, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tạo ra 5 nhóm người tiêu dùng khác nhau, gồm: nhóm khó khăn chịu ảnh hưởng mạnh của đại dịch (chiếm 25%, gồm những người mất việc làm và đang thất nghiệp…); nhóm phục hồi (chiếm 24%, gồm những người mất việc nhưng đã kiếm lại được việc làm); nhóm thận trọng (chiếm tỉ lệ đông nhất 35%); nhóm không bị ảnh hưởng 10%; nhóm thu nhập tăng lên 5%.
Mặc dù đại đa số người dùng đều phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19 nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia tại VOBF 2022, đại dịch cũng tạo tác động tích cực là tạo thói quen cho người dùng tham gia vào thương mại điện tử. Qua đó hình thành "bệ phóng" giúp thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
Cụ thể, theo bà Phạm Thị Quỳnh Trang - giám đốc thương mại Lazada Việt Nam, số lượng khách hàng, đơn hàng và nhà bán hàng trên toàn sàn Lazada đã tăng gấp đôi trong 2 ngày đầu tiên của lễ hội "Mua sắm Tết mới, Sale to năm 2022" so với cùng thời điểm của lễ hội mua sắm năm 2021. Lượng khách hàng mới tham gia bán hàng trên sàn tăng đến 90%, lượng shop có thu nhập trên 1.000 USD mỗi tháng cũng tăng 90%...
Bà Trang nhận định: "Thương mại điện tử sẽ tiếp tục là một xu hướng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới". Theo đó, những yếu tố để thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế sau dịch: thị trường còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng; các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên thương mại điện tử; tầm nhìn phát triển bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, theo bà Đinh Mộng Kha - CEO Công ty Vietguys, người tiêu dùng rất cẩn trọng tìm hiểu khi mua sắm trên mạng, do đó, việc rất quan trọng trong thương mại điện tử là các doanh nghiệp phải đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng của mình để phục vụ việc chăm sóc, hậu mãi… cũng là giữ chân khách hàng mua sắm trong tương lai.
Trước đây việc này thường chỉ thực hiện được trong các công ty lớn có khả năng tài chính tốt vì cần đầu tư máy móc, công nghệ. Nhưng với sự phát triển hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp để chăm sóc, thấu hiểu và giữ chân khách hàng của mình…
Gần 50% dân số Việt Nam sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, một tỉ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam rất lớn.