Kinh tế Việt Nam 2023 được dự báo duy trì đà tăng trưởng
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang duy trì được lạm phát trong tầm kiểm soát và đạt tăng trưởng kinh tế cao.
Năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mức dự báo thận trọng nhất là Việt Nam đạt tăng trưởng trên 7% và lạm phát duy trì ở mức khoảng 4%. Với những kết quả khả quan của hiện tại, Việt Nam sẽ cần thêm những chính sách và chiến lược nào để có thể duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới?
Tiêu dùng nội địa tăng 21%, xuất khẩu tăng 17,3%, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Theo đại diện của HSBC Việt Nam, những trụ cột chính trên đang dẫn dắt đà tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay và cả năm 2023 sắp tới.
"Tôi cho rằng các động lực tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam bao gồm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 5 - 6 tháng tới. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu làm tăng mức tiêu dùng nội địa. Và quan trọng là những chỉ đạo, điều hành rất sát của Chính phủ. Theo tôi 4 yếu tố này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bất chấp những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Timevans đánh giá.
Trước tác động của kinh tế thế giới, theo chuyên gia, Việt Nam là nền kinh tế có sức chống đỡ tốt, là cơ sở để đưa ra những nhận định lạc quan về tăng trưởng trong năm sau.
"Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong 2023, rất ấn tượng nếu so với các nước trên thế giới. Chúng tôi vẫn rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm sau, ở mức 6 hoặc trên 6%. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, trên nền kinh tế đã hồi phục hoàn toàn sau COVID-19 năm 2022 này", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany nhận định.
Để có thể giữ vững được đà tăng trưởng cao trong những năm tới, theo các chuyên gia quốc tế, ngoài tập trung vào các trụ cột chính như vốn FDI và thế mạnh xuất khẩu, Việt Nam nên đặt mục tiêu tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Để giữ được đà tăng trưởng tốt như hiện tại, tôi nghĩ chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới nên là vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó, các bạn cần nâng cao trình độ lao động, đầu tư nhiều hơn vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, tạo thêm động lực cho các nhà cung cấp để họ nâng cấp chính mình", ông Hoe Ee Khor, chuyên gia Kinh tế trưởng của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), nêu quan điểm.
Chuyên gia cũng gợi mở, với đặc thù ngành sản xuất là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ có nghĩa là đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra trong ngành sản xuất, mà còn là nâng cao năng suất lao động.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam IMF dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm nay đạt 7%, đứng đầu nhóm ASEAN-5.