Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát
Lạm phát được kiểm soát, với bình quân CPI 6 tháng tăng 2,44%, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trên đường đua phục hồi kinh tế.
Với số liệu quý 2 ấn tượng được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6, tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, trong vùng mục tiêu 6 - 6,5% đặt ra.
Có thể thấy, khu vực công nghiệp và nông nghiệp đều có mức tăng chậm hơn khoảng 1 điểm %, theo lý giải của Tổng cục Thống kê, phần không nhỏ là do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu gia tăng. Tuy nhiên, điểm sáng ở đây là khu vực dịch vụ, khi tốc độ tăng trưởng cao hơn tới 2,6 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn sâu hơn vào bức tranh phân ngành dịch vụ, có thể thấy du lịch lữ hành tăng gần gấp đôi, lưu trú ăn uống tăng 20,9% từ nền tăng trưởng âm của cùng kỳ năm 2021. Bán lẻ hàng hóa cũng tăng hơn 11%. Có thể thấy vai trò của ngành công nghiệp không khói đã có đóng góp không nhỏ.
Du lịch "bùng nổ' trong quý 2
Theo chỉ số tự tin về du lịch được thống kê bởi Booking.com, Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tự tin du lịch, với 85% khách du lịch Việt có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới.
"Người người đi du lịch, nhà nhà đi du lịch.Thậm chí có những khách sạn ở giai đoạn này, khách đã đặt cho tháng 7, tháng 8 nên cũng hết sạch phòng", bà Vũ Thị Hương Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNTRIP, chia sẻ.
Thông thường, các đoàn khách MICE - khách đoàn theo hình thức du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, teambuilding, hay đi vào cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, MICE được triển khai ngay khi du lịch phục hồi do nhu cầu đã dồn nén suốt 2 năm qua.
"Khách đi du lịch trong nước trong mùa hè năm nay tăng khoảng 300% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch. Mùa hè năm nay, lượng khách MICE rất đông, chiếm 60 - 70% khách du lịch của các công ty", ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết.
"Số lượng khách quốc tế trong tháng 6 đạt trên 230.000 lượt khách, cao nhất từ tháng 4/2020, cho thấy du lịch lữ hành quốc tế đang phục hồi trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội, sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách tăng so với tháng trước và tăng rất cao so với cùng kỳ, thể hiện nhu cầu trong nước đang tăng trưởng rõ rệt", ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, nói.
Theo báo cáo mới nhất ngày 24/5/2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với hai năm trước đó, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,44%. Con số này được Tổng cục Thống kê đánh giá là thành công của Việt Nam trong bối cảnh tháng 5 lạm phát thế giới tăng kỷ lục, như Mỹ là 8,6%, cao nhất trong 4 thập kỷ; Euro là 8,1%, gấp 4 lần mức mục tiêu 2% của họ; tại châu Á, Thái Lan là 7,1%, Hàn Quốc 5,4%; Indonesia 3,55%, hay Nhật Bản là 2,5%. Tuy nhiên, áp lực lạm phát được cho là có độ trễ, sẽ gia tăng vào cuối năm nay và cả năm sau.
"Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng 6,04%, cao nhất 10 năm. Theo tính toán, giá xăng dầu trong nước cứ tăng 10% thì tác động đến CPI tăng 0,36%. Thứ hai là giá lương thực thực phẩm tăng cao trở lại trong các tháng cuối năm. Chúng ta khó tránh khỏi trước khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm lại chiếm 28% rổ CPI", bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh.
Cùng với đó, giá dịch vụ khi nhu cầu tăng chắc chắn cũng sẽ khó có thể duy trì ở mức thấp, chưa kể các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục, đặc biệt là giá dịch vụ giáo dục. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2022 ở mức dưới 4%, với những công cụ hiện có, là vẫn trong tầm tay.
Doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư, kinh doanh, sản xuất
Kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn tăng trưởng cao là một ưu tiên để bứt tốc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để thấy được sự bền vững của xu thế này trong những quý tới cần nhìn cụ thể hơn vào tình hình đăng ký doanh nghiệp, cũng như vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, để đánh giá rõ hơn mức độ tích cực và chủ động của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tham gia vào nền kinh tế.
FDI thực hiện 6 tháng đạt hơn 10 tỷ USD, là mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Nếu không tính đến 2 dự án đột biến năm 2021, thì tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm nay tăng tới 29,2%.
"Số liệu trên đã phản ánh xu hướng phục hồi và tăng mạnh của FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, tạo niềm tin với nhà đầu tư", bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), đánh giá.
Trong khi đó, lần đầu tiên 6 tháng đầu năm ghi nhận lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vượt con số 70.000 doanh nghiệp. Nếu lấy lượng doanh nghiệp tăng thêm trừ đi lượng doanh nghiệp rút lui càng cho thấy tín hiệu tích cực chưa từng thấy.
"Lấy cái tăng thêm trừ ông rút lui, còn ông thuần là 5,6 nghìn doanh nghiệp. Đây là mức rất cao nhiều năm qua. Các năm qua chỉ có 3.000 - 4.000 và bây giờ là 5,6 nghìn. Do thanh lọc, doanh nghiệp thay đổi linh hoạt để phù hợp với chuyển biến mới của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ có sự linh hoạt trong việc thay đổi, cấu trúc lại doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay
Tổng cục Thống kê khảo sát tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 của 85% doanh nghiệp sẽ ổn định, hoặc tốt hơn quý 2.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lượng vốn giải ngân từ gói hỗ trợ phát triển, phục hồi kinh tế hiện vẫn còn khiêm tốn, mới đạt 48.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể trong 2 quý cuối năm và cả năm sau, là nhân tố quan trọng để giúp chúng ta không bỏ lỡ giai đoạn vàng 2 năm phục hồi kinh tế.
Theo HSBC, dù COVID-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế tài chính toàn cầu, nguồn vốn FDI đổ vào ASEAN vẫn ổn định. Trong đó, Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình.