Kinh tế trưởng VinaCapital chỉ ra yếu tố giúp Việt Nam trở thành 'vùng an toàn kinh tế' trong các thị trường mới nổi
Trong báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari kỳ vọng Việt Nam sẽ phần nào “thoát khỏi” những điều kiện khó khăn của kinh tế toàn cầu mà thế giới có thể phải trải qua trong 1-2 năm tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong quý 3/2022 tăng trưởng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari cho biết, mức tăng trưởng này được ghi nhận cao hơn nhiều so với dự kiến. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quyết định điều chỉnh chính sách lãi suất tăng thêm 100 điểm cơ bản lên 5% vào ngày 23/9 cũng là một điều bất ngờ.
GDP Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,8% so với cùng kỳ nhờ tiêu dùng nội địa. Cụ thể, tiêu dùng chiếm 2/3 GDP của Việt Nam và doanh số bán lẻ thực tế (đã loại trừ tác động của lạm phát) tăng 16,8% so với cùng kỳ. Báo cáo cho hay, kết quả tăng trưởng ấn tượng trong quý 3/2022 là do mức nền tăng trưởng thấp của quý 3/2021, thời điểm kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó doanh thu bán lẻ của Việt Nam đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Song, theo ông Michael Kokalari, tiêu dùng nội địa ở Việt Nam cũng tăng trưởng liên tục kể từ đầu năm 2022, tăng gần 3% so với tháng trước trong tháng 9. Trên cơ sở đó, VinaCapital đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 7,5% lên 8%.
Về yếu tố sản xuất, trước đây, VinaCapital từng cho rằng sản xuất của Việt Nam có thể tăng trưởng khá yếu trong năm 2022 do nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” suy yếu. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, sản lượng sản xuất của Việt Nam đã tăng 10,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng. Ông Michael Kokalari cho biết, tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển của các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và được chứng minh bằng giải ngân vốn FDI tăng 16% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng đã tăng trưởng từ mức 3,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm lên mức 8,6% trong 9 tháng. Sang năm 2023, chuyên gia VinaCapital cho rằng nhu cầu nội địa của Việt Nam có thể sẽ chậm lại khi đất nước mở cửa hoàn toàn; đồng thời, nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” có thể sẽ giảm do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, chuyên gia VinaCapital kỳ vọng sự gia tăng chi tiêu công và lượng khách du lịch nước ngoài trở lại sẽ bù đắp phần nào điểm yếu đó.
"Vì vậy chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ từ 8% năm 2022 xuống còn 6% vào năm 2023", ông Michael Kokalari dự đoán.
Về lạm phát, Kinh tế trưởng VinaCapital cho hay, lạm phát ở Việt Nam vẫn dưới 4%, và giá trị đồng tiền của Việt Nam đã mất giá dưới 5% so với đầu năm, mặc dù giá trị đồng USD tăng gần 20% so với đầu năm và giá trị đồng tiền của Trung Quốc giảm giá khoảng 10%.
Theo ông Michael Kokalari, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng lãi suất nhằm để bảo vệ giá trị của Đồng Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có chính sách lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát, việc này sẽ khiến Việt Nam sẽ có xu hướng tiết kiệm tiền bằng đồng Việt Nam hơn là bán ra để mua USD.
"Chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, cùng với các chính sách kinh tế thận trọng của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam phần nào trở thành 'vùng an toàn kinh tế' trong các thị trường mới nổi", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Theo đó, đợt tăng lãi suất gần đây của Chính phủ là động thái mới nhất trong một loạt các động thái chính sách nhằm duy trì tỷ giá USD-VND ổn định, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Theo quan điểm của chúng tôi, bối cảnh của thị trường hiện nay là một cơ hội hấp dẫn để các nhà đầu tư mua cổ phiếu các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên định giá rẻ, P/E dự phóng ở mức 11x, đặc biệt khi so với mức EPS dự kiến tăng trưởng 15% vào năm 2022, hoặc khi so sánh với mức bình quân P/E dự phóng ở mức 15x của các công ty cùng ngành trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines", vị Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định.