Kinh tế trưởng MBS: VN-Index khó giảm sâu trên 30% so với đỉnh, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi bán cổ phiếu
Theo chuyên gia, đây là thời điểm nhà đầu tư cần điềm tĩnh và không nên bán ra nữa.
Chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch đầy sóng gió khi tâm lý thị trường chưa thể ổn định trước những rủi ro vĩ mô. Trong tuần, VN-Index ghi nhận 4 phiên giảm mạnh liên tiếp trước khi có cú "quay xe" ngoạn mục để giành lấy sắc xanh trong phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, sau chuỗi giảm sâu, giới đầu tư vẫn khá lo lắng về xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Có người lựa chọn đứng im quan sát, có người lại mạo hiểm "bắt đáy" vì tin rằng thị trường khó giảm thêm nữa. Vậy "cơn bão" trên thị trường chứng khoán liệu đã qua? Nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?
Theo ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS, vấn đề lạm phát tiếp tục neo cao khiến Fed tiếp tục phải mạnh tay trong chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn gây áp lực nặng nề cho thị trường chứng khoán. Ông Tuấn dự báo lạm phát sẽ có xu hướng hạ nhiệt dần, dù vẫn còn khá dai dẳng.
Nhiều tổ chức kỳ vọng mức lạm phát trong những quốc gia phát triển trong năm sau sẽ giảm xuống mức 6,2%. Tuy nhiên, để trả giá cho điều này thì hàng loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc,… dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chậm chạp khi lãi suất tăng lên. Cụ thể, Mỹ dự kiến tăng trưởng trong năm sau chỉ khoảng 0,5%, các nước trong khu vực Âu Châu khoảng 1,4%.
Chuyên gia MBS cũng cho rằng động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hết sức quyết liệt. Ngay sau khi NHNN đưa ra công bố mặt bằng tăng lãi suất điều hành mới thì các các ngân hàng thương mại lập tức điều chỉnh mức lãi suất huy động. Trên thị trường, một số Ngân hàng thương mại nhỏ và vừa đã điều chỉnh mức huy động mạnh mẽ, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn sau khi được nhà nước nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Thậm chí họ còn áp dụng mức lãi suất huy động tối đa khoảng 5%, trong khi các mức lãi suất không kỳ hạn trước đây chỉ để mức 0,1%, 0.2% thì nay đã có những ngân hàng lên mức 0.5% . Tuy mức tăng không cao, nhưng nếu tính theo phần trăm là cũng là khá lớn.
Trong thời gian tới, Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng chuyên gia cho rằng mức tăng sẽ thấp hơn. Trong trường hợp lạm phát của Mỹ giảm mạnh thì khả năng NHNN sẽ không cần 1 đợt tăng lãi suất điều hành thêm nữa.
Mặt khác, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực thì có thể kỳ vọng lạm phát cũng như tỷ giá của Việt Nam sẽ hài hoà trở lại. Do đó, thị trường chứng khoán sau khi phản ứng dữ dội thì cũng sẽ bình ổn hơn trong chặng đường phía trước.
Về tổng thể thì nền kinh tế của chúng ta khá vững mạnh khi Việt Nam vẫn được đánh giá là 1/7 điểm sáng kinh tế vĩ mô toàn cầu trong thời gian vừa qua. Vĩ mô vẫn duy trì ổn định, chỉ có hai yếu tố (1) mặt bằng lãi suất đi lên (2) ảnh hưởng từ chứng khoán toàn cầu tạo áp lực cho thị trường chung.
Trong tuần qua, có thời điểm chứng khoán Việt Nam giảm so với đỉnh là 28%. Trong khi nếu so với thời điểm xảy Covid-19, toàn cầu chứng kiến cuộc khủng hoảng ngắn hạn với mức suy giảm kinh tế sâu, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm rất mạnh thì VN-Index cũng chỉ giảm trên 30% so với mức đỉnh.
Hiện tại, chuyên gia cho rằng chưa thể khẳng định thị trường đã tạo đáy hay chưa. Tuy nhiên, kịch bản thị trường chứng khoán giảm sâu từ 30-40% chỉ xảy ra khi xuất hiện khủng hoảng kinh tế. Còn nếu chỉ dừng lại ở mức suy thoái thì đà giảm của thị trường thời gian qua cũng đã phản ánh đáng kể.
Nhiều người băn khoăn là tại sao mọi người lại bán mạnh thế, nhưng thực ra lực bán không hề mạnh mà chỉ đơn giản là lực mua yếu. Với những quan ngại hiện tại, những nhà đầu tư khôn ngoan chưa thực sự giải ngân mà sẽ tìm kiếm điểm giải ngân điểm cực kỳ rẻ với kỳ vọng lợi nhuận dài hạn cao.
Tuy nhiên, tại thời điểm thị trường chiết khấu sâu, họ sẽ không chịu bán mới mức giá thấp và tâm lý hoảng loạn như vậy. Áp lực bán chủ yếu những người nhà đầu tư ở trạng thái căng thẳng và không chịu được nữa