Kinh tế Trung Quốc trì trệ, phủ bóng đen lên ASEAN

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 10:18:36

Các nước ASEAN đang đối mặt một môi trường thương mại khó khăn hơn khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại do tác động của các lệnh phong tỏa nghiệm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19. Các chuyên gia nhận định dù Mỹ đang thúc đẩy hợp tác với ASEAN, nỗ lực này khó có thể bù đắp nhu cầu giảm từ Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc trì trệ, phủ bóng đen lên ASEAN

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009. Kinh tế ASEAN bị ảnh hưởng khi nhu cầu của Trung Quốc suy giảm trong bối cảnh nước này mở rộng triển khai lệnh phong tỏa để kiểm soát đại dịch Covid-19. Ảnh: China Focus

Nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước hàng loạt khó khăn, từ những đợt bùng phát dịch Covid-19 cho đến đến cơn suy thoái trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn, đe dọa mục tiêu tăng trưởng hàng năm “khoảng 5,5%” của chính phủ nước này.

Hiện tại, các ngân hàng đa quốc gia bao gồm Goldman Sachs, Citi, JP Morgan và Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới xuống còn từ 4-4,3% do tác động của chiến lược “zero Covid”.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ gây ra một số sóng gió đối với các nền kinh tế ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 và chiếm 18% tổng giá trị hàng hóa giao dịch của khối vào năm 2019, theo Ban Thư ký ASEAN. Trong khi đó, ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Jayant Menon, học giả cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, một trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Giáo dục Singapore, nhận định: “Sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc đang gây ra những tác động khác nhau đối với mỗi khu vực của ASEAN. Chẳng hạn, đối với các nước nằm ở lưu vực sông Mê Kông, hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ bị tác động lớn nhất. Tuy nhiên, các thành viên sáng lập ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ chịu tác động lớn hơn ở các liên kết chuỗi cung ứng do tình trạng sự gián đoạn bắt nguồn từ các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc”.

Hoạt động sản xuất suy giảm ở Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế ASEAN, theo nhận định của Cyn-young Park, Giám đốc phụ trách hợp tác và hội nhập ở bộ phận nghiên cứu kinh tế ở Ngân hàng Phát triển châu Á. Bà cho rằng các ngành sản xuất, dệt may, thực phẩm và nguyên vật liệu thô của ASEAN sẽ bị tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Dữ liệu công bố hồi đầu tuần này cho thấy các chỉ số chính đo lường sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đều không đạt được kỳ vọng, với sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Trong chuyến thăm tỉnh Vân Nam hôm 18-5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết dữ liệu kinh tế trong tháng 4 “rõ ràng là yếu” và Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để ổn định tăng trưởng và các chuỗi cung ứng.

Timothy Uy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody’s Analytic, dự báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023, dẫn đến các vấn đề như thiếu linh kiện và lao động.

Ông nói: “Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc hiện nay bị hạn chế khi các xe tải trên khắp đất nước không thể di chuyển thuận lợi do hoạt động phòng chống Covid-19 ở các trạm kiểm soát đặt ở biên giới của các chính quyền địa phương”.

Trong khối ASEAN, tăng trưởng kinh tế của Singapore có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nhu cầu của Trung Quốc suy giảm, tiếp theo là Thái Lan và Malaysia, theo báo cáo của Ngân hàng Natixis (Pháp) phát hành trong tuần này. Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay chỉ đạt 4,2%.

Khi các hoạt động thương mại ngày càng phát triển, Trung Quốc càng coi trọng mối quan hệ với ASEAN. Hồi cuối năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tăng cường hợp tác an ninh và tài trợ phát triển với khu vực này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Bắc Kinh ngày càng gia tăng, Washington cũng đang đẩy mạnh cam kết với ASEAN.

Khi đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Washington vào đầu tháng này, Tổng thống Joe Biden đã gửi thông điệp rằng Mỹ rất chú trọng nâng cao quan hệ với khối kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Tổng thống Biden, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng liên minh và củng cố quan hệ đối tác để chống lại sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và toàn cầu.

Mỹ và các đối tác sẽ khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF) khi Tổng thống Biden thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong chuyến công du kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ hôm 20-5. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đà suy giảm kinh tế của Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho Mỹ mở rộng quan hệ kinh tế với ASEAN trong ngắn hạn.

“Nhiều khả năng doanh số bán hàng của ASEAN bị mất mát ở Trung Quốc sẽ được bù đắp ở các thị trường khác trong khu vực hơn là ở Mỹ, nơi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng”, học giả Jayant Menon nói.

Louis Chan, nhà kinh tế tại nhóm nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông, cho rằng các sáng kiến thương mại khác nhau, do Trung Quốc và Mỹ thúc đẩy, sẽ tạo ra thế cân bằng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các nhà quan sát ngoại giao cho biết các nước ASEAN sẽ không đứng về phía nào khi cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực ngày càng gia tăng. Thay vào đó, họ sẽ giao kết với hai cường quốc này dựa trên nhu cầu của riêng họ.

Louis Chan cho rằng đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa đột ngột đã khiến nhiều nhà sản xuất bắt đầu suy nghĩ về khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt là đối với các sản phẩm phức tạp như ô tô và hàng điện tử.

Ông nói: “Kỷ nguyên hậu Covid-19 sẽ không đi theo mô hình toàn cầu hóa của quá khứ. Các doanh nghiệp phải tính đến khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng đối mặt với một vấn đề tạo ra sự thay đổi lớn như đại dịch Covid-19”.

Khánh Lan


TBKTSG

Chia sẻ Facebook