Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm trong năm thứ ba liên tiếp
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp, từ 2,6% vào năm 2023 xuống 2,4% trong năm 2024.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của WB, nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ ghi nhận "kỷ lục nghiệt ngã", tốc độ tăng trưởng GDP nửa thập kỷ chậm nhất trong 30 năm.
Báo cáo được công bố hôm 9/1 cho thấy, tình hình kinh tế trong nửa đầu những năm 2020 thậm chí còn tồi tệ hơn hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và các cuộc suy thoái khác kể từ đầu những năm 1990
Cụ thể, theo CNBC , trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của WB có dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nền kinh tế kém khởi sắc. Tổ chức này dự báo tăng trưởng nền kinh tế thế giới sẽ vào khoảng 2,4% trong năm 2024, giảm 0,2 điểm % từ mức 2,6% của năm 2023.
Tới năm 2025, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến tăng nhẹ 0,3 điểm % lên 2,7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tính chung trong giai đoạn 5 năm vẫn sẽ thấp hơn 0,75 điểm % so với tốc độ trung bình những năm 2010.
Mặc dù năm 2023, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng mở ra những thách thức mới trong ngắn hạn. WB cho biết, các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước.
“Sự leo thang tới từ căng thẳng địa chính trị có thể gây tác động nghiêm trọng tới giá năng lượng. Tiếp sau đó sẽ là lạm phát và tăng trưởng kinh tế", Ayhan Kose, Phó kinh tế trưởng tại WB nói.
Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Nếu không có sự điều chỉnh lớn, những năm 2020 sẽ trôi qua như một thập kỷ cơ hội bị lãng phí".
Ông nói thêm: "Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất, "mắc kẹt trong một cái bẫy" với mức nợ ngiêm trọng và khả năng tiếp cận thực phẩm khó khăn đối với gần 1/3 dân số".
WB cho biết, đến cuối năm nay, người dân ở 25% quốc gia đang phát triển và khoảng 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Ông Indermit Gill cho rằng điều đó sẽ cản trở tiến trình thực hiện nhiều ưu tiên toàn cầu, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Gill tin rằng vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình thế nếu các chính phủ nhanh chóng hành động để tăng cường đầu tư và củng cố khuôn khổ chính sách tài khóa.
Trong khi đó, khu vực đồng Euro dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024. WB dự đoán, Khu vực đồng Euro gồm 20 quốc gia thành viên sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, mức cải thiện khiêm tốn so với tỉ lệ tăng trưởng 0,4% của năm 2023.
Tổ chức tài chính quốc tế này dự báo, tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, quốc gia dẫn đầu vào năm 2023 với mức tăng trưởng 2,5%, sẽ giảm tốc xuống 1,6% trong năm nay do lãi suất cao hơn làm suy yếu hoạt động vay và chi tiêu.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 4,3% vào năm 2025, giảm mạnh so với mức 5,2% của năm ngoái.
Nền kinh tế Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ là động lực tăng trưởng hàng đầu trên toàn cầu đã gặp khó khăn trong những năm gần đây. Thị trường bất động sản được xây dựng quá đà đã bùng nổ số lượng nhà, người tiêu dùng chán nản, thanh niên thất nghiệp tràn lan và dân số đang già đi, làm suy giảm khả năng tăng trưởng.
Tăng trưởng sụt giảm ở Trung Quốc có thể gây tổn hại cho các nước đang phát triển cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Quốc, bao gồm Nam Phi (sản xuất than) và Chile (xuất khẩu đồng).
Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,9%, bằng một nửa tỉ lệ vào năm 2023.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Znews)