Kinh tế suy thoái, chính phủ Anh “thắt lưng buộc bụng”
Để suy thoái kinh tế nông hơn và lạm phát dịu đi, chính phủ Anh phải đưa ra những quyết định khó khăn về tài chính.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 17/11 đã công bố các đợt tăng thuế sâu rộng và cắt giảm chi tiêu. Động thái này khiến Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của phương Tây bắt đầu “thắt lưng buộc bụng” về chi tiêu công sau nhiều năm tăng cường kích thích tài chính thời đại dịch và trợ cấp năng lượng gần đây.
Các biện pháp này đánh dấu sự thay đổi lớn thứ hai trong chính sách kinh tế của Vương quốc Anh chỉ trong vài tháng, sau khi cựu Thủ tướng Anh Liz Truss khiến thị trường tài chính hoảng loạn khi cam kết thúc đẩy tăng trưởng dựa trên các đợt cắt giảm thuế khiến nợ chính phủ càng thêm chồng chất và đồng bảng Anh mất giá ở mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Là người kế nhiệm bà Truss, Thủ tướng Sunak đang thực hiện chính sách kinh tế theo hướng khác, cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng Vương quốc Anh nghiêm túc trong việc kiểm soát gánh nặng nợ công đang ngày càng tăng. Thách thức của ông Sunak sẽ là lấy lại niềm tin của thị trường mà không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Anh vốn đang bước vào suy thoái.
K ế hoạch tài chính mới
Phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 17/11, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết nền kinh tế Vương quốc Anh đã suy thoái và GDP của nước này sẽ bị sụt giảm 1,4% vào năm tới, trích dẫn các dự báo mới nhất từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR).
Ông Hunt xác nhận nợ chính phủ của Anh ước đạt 177 tỷ Bảng trong năm nay - tăng mạnh so với con số dự đoán 99 tỷ Bảng cho năm 2022-2023 mà OBR đưa ra hồi tháng 3 vừa qua. Khoản nợ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 69 tỷ Bảng vào năm 2027-2028.
Để đạt được điều đó, Bộ trưởng Hunt đã công bố một kế hoạch tài chính mới với các cắt đợt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 55 tỷ Bảng Anh (66 tỷ USD) trong 5 năm tới, một nỗ lực nhằm bắt đầu giảm quy mô nợ công so với nền kinh tế từ năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2028.
Ông cho biết, các ưu tiên của ông là “sự ổn định, tăng trưởng và dịch vụ công” trong bối cảnh nước Anh đang vật lộn với tình trạng lạm phát tăng cao.
“Lạm phát cao là kẻ thù của sự ổn định”, ông Hunt nói với các nghị sĩ. “Điều đó có nghĩa là lãi suất thế chấp cao hơn, hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu đắt đỏ hơn, doanh nghiệp phá sản và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Nó làm xói mòn các khoản tiết kiệm, gây ra tình trạng bất ổn trong ngành công nghiệp và cắt giảm nhu cầu về các dịch vụ công cộng. Nó làm tổn hại nhiều nhất đến những người nghèo nhất và ăn mòn niềm tin mà một xã hội vững mạnh được xây dựng trên đó”.
Một trong những biện pháp chính trong kế hoạch mà ông Hunt vừa công bố bao gồm tăng thuế thu nhập. Theo đó, biểu thuế thu nhập sẽ được điều chỉnh, với mức thuế cao nhất 45% sẽ áp dụng cho ngưỡng thu nhập từ 125.000 Bảng/năm, so với mức 150.000 Bảng/năm hiện tại, và các khoản trợ cấp thuế và các ngưỡng thuế thu nhập khác sẽ bị đóng băng đến năm 2028, nghĩa là nhiều người sẽ bị kéo vào các khung thuế cao hơn.
Chính phủ Anh cũng sẽ giảm trợ cấp năng lượng cho các hộ gia đình vào mùa xuân tới.
Ngoài ra, lợi nhuận của các công ty năng lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng khi thuế suất bạo lợi tăng từ 25% lên 35% kể từ tháng 1/2023. Các nhà sản xuất điện cũng sẽ phải chịu mức thuế tạm thời 45%. Các biện pháp kết hợp dự kiến sẽ thu về cho ngân sách chính phủ Anh khoảng 14 tỷ Bảng.
“Thắt lưng buộc bụng”
“Nhờ kế hoạch này, suy thoái kinh tế sẽ nông hơn và lạm phát dịu đi. Nhưng nó có nghĩa là phải đưa ra những quyết định khó khăn”, ông Hunt nói với Quốc hội Anh.
Đợt “thắt lưng buộc bụng” này của Vương quốc Anh, lớn nhất trong một thập kỷ, làm nổi bật những thách thức kinh tế mà một số quốc gia phương Tây khác cũng phải đối mặt sau khi chi tiêu tăng mạnh trong đại dịch để bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi bị thiệt hại, cũng như các khoản chi tiêu mới để giúp bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi tác động của việc giá năng lượng tăng cao hơn.
Các nhà kinh tế cho biết, giá năng lượng cao hơn có thể trở thành một đặc điểm của bối cảnh kinh tế châu Âu trong nhiều năm tới, nghĩa là các chính phủ phải tìm cách thích ứng với tình trạng này.
“Để giữ cho thị trường hài lòng, việc thắt chặt tài chính cần phải lớn hơn nữa”, ông Paul Dales, nhà kinh tế trưởng phụ trách nền kinh tế Anh tại công ty Capital Economics, cho biết.
Một số nhà kinh tế cũng cho rằng suy thoái kinh tế ở Anh có thể kéo dài hơn ở nhiều nước phương Tây, do sự kết hợp của các vấn đề về năng suất kéo dài, tình trạng thiếu hụt trầm trọng công nhân và quyết định lập các rào cản thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit.
Phản ứng với kế hoạch tài chính mới của Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Sunak, ông Rachel Reeves, người đảm nhiệm vấn đề tài chính của Đảng Lao động Anh (đối lập), cho biết: “Đảng Bảo thủ đã phá vỡ nền kinh tế của chúng ta, từ bỏ tăng trưởng và khiến lạm phát tăng vọt. Như thường lệ, chính những người lao động bình thường đang phải trả giá”.
Theo dự báo của OBR, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2024 và 2,6% trong năm 2025, so với mức dự báo tương ứng trước đó lần lượt là 2,1% và 1,8%. Anh là thành viên G7 duy nhất mà nền kinh tế chưa phục hồi về mức trước đại dịch .
Minh Đức (Theo WSJ, Politico.eu)