Kinh tế số là động lực tăng trưởng của TP.HCM

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:10:00

Sau hai năm bị gián đoạn vì dịch bệnh, Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 15-4 tới đây với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai".

TP.HCM kỳ vọng nhận được nhiều hiến kế, góp ý của các diễn giả quốc tế trong quá trình chuyển đổi số - Ảnh: N.BÌNH


Ngày 28-3, tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn kinh tế TP.HCM - HEF 2022, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP, cho biết đây là diễn đàn lần thứ 3 được tổ chức sau hai năm tạm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.


Tập trung vào chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai", TP kỳ vọng thông qua diễn đàn năm nay sẽ tìm kiếm được một mô hình chuyển đổi chuẩn cho quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả nguồn lực đầu tư mới để TP có bước đi đúng hướng, hiệu quả. Kinh tế số cũng được xác định sẽ là động lực tăng trưởng và phát triển của TP trong tương lai.


"Đây là một tham vọng rất lớn của TP về kinh tế số, chuyển đổi số và quản trị số. Thông qua diễn đàn, TP cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ x ây dựng được chính sách hỗ trợ, cơ chế cho chuyển đổi số của các đối tượng. Đồng thời, h ình thành được tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật số và phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật, kinh tế số, góp phần đẩy mạnh xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh ", ông Võ Văn Hoan thông tin.


Hiện nay, TP cũng đã có Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp và người dân.


Theo ông Lê Trường Duy - giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế TP.HCM, đến thời điểm hiện tại đã có 34 diễn giả trong và ngoài nước xác nhận tham gia. Trong đó có 25 diễn giả quốc tế, tăng gấp đôi so với hai diễn đàn trước.

Ngoài diễn giả, nhà đầu tư nước ngoài còn có những đô thị, thành phố quốc tế mà TP.HCM kết nghĩa, lãnh đạo của các tổ chức, định chế tài chính lớn như World Bank, IMF, IFC, ADB… Đặc biệt là sự tham gia của các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Úc; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số; doanh nghiệp...


Theo ông Duy, sự tham gia đông đảo này cho thấy chủ đề năm nay được đánh giá thiết thực và cấp bách trong thời điểm hiện tại, phù hợp xu thế của các địa phương, quốc gia trên thế giới… Thứ hai, có thể nhận định nhu cầu hợp tác quốc tế với TP được nâng cao rất nhiều sau thời gian thế giới bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh.


Dự kiến có khoảng 900 đại biểu, trong đó hơn 500 đại biểu tham gia theo hình thức trực tiếp.


Ông Nguyễn Phước Hưng, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết diễn đàn sẽ xoay quanh 4 chủ đề: "Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030"; "Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030"; "Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp"; và "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế".


Diễn đàn kinh tế TP.HCM là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP chủ trì tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của TP nói chung, các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm khác.

Diễn đàn gần nhất được tổ chức vào năm 2019 có chủ đề "Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" đã tập hợp được nhiều ý kiến, đề xuất, đóng góp thiết thực cho đề án Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM hiện nay.

Năm 2021, dù bị đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng nền kinh tế số TP.HCM vẫn được ước lượng quy mô đến 8,27 tỉ USD (khoảng 191.768 tỉ đồng).

Chia sẻ Facebook