Kinh tế phục hồi yếu ớt, Trung Quốc đối mặt với nguy cơ giảm phát

Chia sẻ Facebook
11/07/2023 08:17:28

VietTimes – Sau 2 tháng tăng ở mức nhỏ, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc tháng 6 gần như đứng im, khiến các nhà kinh tế lo ngại nền kinh tế thứ hai thế giới đang bên bờ vực giảm phát. Đồng thời, sự sụt giảm PPI tháng 6 tiếp tục nới rộng

Trong khi hầu hết các nước khác đang lạm phát, chỉ số lạm phát Trung Quốc tháng 6 lại giảm còn 0,4% (Ảnh: WSJ).


Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (10/7) cho thấy: Trong lĩnh vực ngành chế tạo vốn đã giảm phát của Trung Quốc , giá xuất xưởng của sản xuất công nghiệp tháng 6 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm, cho thấy nhu cầu sụt giảm ở cả trong và ngoài nước.

Dữ liệu tiếp tục nhấn mạnh cú sốc kép mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, thứ nhất là sự phục hồi kinh tế sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại bị đình trệ; hai là, lãi suất của các ngân hàng trung ương phương Tây tăng làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng việc giảm giá trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã mong manh ở trong nước Trung Quốc, đẩy nền kinh tế vào vòng tuần hoàn xấu của nhu cầu yếu và giá giảm.

Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết Trung Quốc rõ ràng đang phải đối mặt với áp lực giảm phát lớn. Ông cảnh báo nếu dự đoán giảm phát được củng cố, e rằng sẽ xuất hiện một vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế.

Biểu đồ cho thấy nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc: màu Xanh là chỉ số giá tiêu dùng, màu vàng là chỉ số giá sản xuất, tỉ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong 28 tháng
(Nguồn: Cục Thống kê Trung Quốc).

Sự phục hồi trong chi tiêu của ngành dịch vụ vào đầu năm nay chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã bị đình trệ ở nhiều cấp độ kể từ tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong tháng 5 tăng vọt lên mức cao kỷ lục trên 20%. Hoạt động của ngành chế tạo Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Xuất khẩu sang các nền kinh tế phương Tây như Mỹ cũng suy giảm.

Ngoài ra, bất chấp việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách kiểm soát nhằm kích thích nhu cầu mua nhà ở, sự phục hồi của thị trường bất động sản vẫn chững lại. Thị trường bất động sản là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc.


Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc không trải qua lạm phát sau khi kết thúc dịch bệnh và khởi động lại nền kinh tế như hầu hết các quốc gia khác, điều này đã bộc lộ những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 năm chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có tình hình xấu đi của tài chính hộ gia đình làm kìm hãm chi tiêu tiêu dùng.


Giá tiêu dùng của Trung Quốc tháng 6 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, sau khi tăng 0,2% trong tháng 5 và 0,1% trong tháng 4, thấp hơn khảo sát kinh tế của Wall Street Journal . Các nhà kinh tế đã phân tích và dự kiến ​​mức tăng là 0,2%.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc đang giảm, giá thịt lợn tháng 5 giảm 3,2% (Ảnh: DW).

Nếu loại trừ giá lương thực và năng lượng biến động khá lớn, tỷ lệ lạm phát cơ bản của Trung Quốc đã giảm từ mức 0,6% trong tháng 5 xuống 0,4% tháng 6, phản ánh nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ giảm.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 của Trung Quốc giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2015 và là tháng giảm thứ chín liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.

Cục diện nhu cầu chậm chạp ở Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Mỹ và hầu hết các nền kinh tế phương Tây khác. Bất chấp những nỗ lực nhằm kiểm soát giá cả, giá cả ở Mỹ và hầu hết các nền kinh tế phương Tây khác vẫn không ngừng tăng lên.


Lạm phát cơ bản của Mỹ mặc dù có giảm đi, nhưng vẫn ở mức cao 4,6% trong tháng 5, khiến Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất . Lạm phát ở khu vực 20 quốc gia sử dụng đồng euro cũng nghiêm trọng tương tự, giảm từ mức 6,1% trong tháng 5 xuống 5,5% tháng 6.

Ngược lại, ở Trung Quốc, dữ liệu lạm phát yếu đã khiến các nhà kinh tế kêu gọi áp dụng nhiều biện pháp hơn để đảo ngược tâm lý trì trệ và thúc đẩy nhu cầu.

Ông Thường Kiến (Chang Jian), nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Barclays, cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng vào tháng 5 rằng cần có các hành động phối hợp và toàn diện để ổn định thị trường bất động sản, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời phá vỡ chu kỳ giảm lạm phát hoặc giảm phát.

Thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi sau dịch bệnh (Ảnh: WSJ).

Nhưng cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn không đưa ra kế hoạch kích thích quy mô lớn, một trong những nguyên nhân là do gánh nặng nợ ngày càng tăng và lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư của nhà nước giảm đi. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào tháng trước đã cắt giảm một số lãi suất quan trọng; mặc dù vậy nhiều nhà kinh tế dự đoán các động thái này hiệu quả thúc đẩy nhu cầu rất ít do triển vọng kinh tế ảm đạm.

Cũng có người dự đoán các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ vẫn có tính nhắm mục tiêu trực tiếp.

Các nhà kinh tế tại Capital Economics cho rằng: do nhu cầu tín dụng vẫn yếu và đồng nhân dân tệ phải đối mặt với áp lực, phần lớn biện pháp hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc sẽ đến từ chính sách tài chính.


Theo Wall Street Journal

Chia sẻ Facebook