Kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều dấu hiệu suy giảm
Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu giảm tốc trong bối cảnh lãi suất tăng và lạm phát lập đỉnh 40 năm. Đáng chú ý, lãi suất cho vay thế chấp mua nhà đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.
Kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều dấu hiệu suy giảm
Các báo cáo gần đây cũng cho thấy đà giảm mạnh ở các lĩnh vực quan trọng. Điều này làm gia tăng nguy cơ kinh tế trì trệ và thậm chí có thể xảy ra suy thoái. Hoạt động xây dựng nhà ở trên khắp nước Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong ngày 16/06.
Trong khi đó, các nhà máy ở miền Trung của khu vực Đại Tây Dương tháng 6 đã lần đầu tiên cắt giảm hoạt động trong 2 năm trở lại đây, theo chia sẻ của Fed khu vực Philadelphia. Trong tháng 5, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ sụt giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022.
Các chuyên gia kinh tế cũng đã hạ dự báo tăng trưởng quý 2/2022 trong những ngày gần đây. Chỉ số theo dõi GDPNow của Fed Atlanta dự báo GDP quý 2 của Mỹ đi ngang, sau khi giảm 1.5% trong quý 1.
Những con số này cho thấy tình trạng thiếu cung kéo dài, lạm phát đạt đỉnh 40 năm và những nỗ lực kìm hãm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hạ nhiệt tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 15/06, Fed đã nâng lãi suất 75 điểm cơ bản - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 - và phát tín hiệu tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong năm nay.
Động thái nâng lãi suất sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng nghĩa rằng không chỉ giá hàng hóa và dịch vụ tăng mà chi phí của các khoản vay mua nhà, ô tô và nhiều vật dụng khác cũng tăng theo.
Ngày 17/06, Freddie Mac cho biết lãi suất bình quân của một khoản vay thế chấp mua nhà cố định 30 năm đã tăng lên 5.78% trong tuần này – mức cao nhất trong 13 năm.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Chỉ số S&P 500 tuần này đã rơi vào vùng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Giới phân tích nhận định các nhà đầu tư, người tiêu dùng và lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ đang ngày càng lo ngại rằng tình hình có thể tồi tệ hơn.
“Thực sự không có tấm bản đồ chỉ đường nào ở đây”, Joshua Shapiro, Chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Maria Fiorini Ramirez, Inc. nhận xét. “Chẳng ai biết gì cả. Bất kỳ ai vờ rằng họ biết thì chỉ đang bịa chuyện mà thôi”.
Việc kinh tế Mỹ mất đà đang làm dấy lên tranh luận về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có rơi vào suy thoái hay không.
Nhiều nhà kinh tế định nghĩa đơn giản một cuộc suy thoái xảy ra khi GDP của nền kinh tế suy giảm 2 quý liên tiếp. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức truyền thông uy tín xác định xảy ra suy thoái dựa vào tuyên bố của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER).
NBER thường đợi nhiều tháng trước khi xác định ngày tuyên bố suy thoái kinh tế chính thức, dựa trên việc phân tích một loạt dữ liệu bao gồm việc làm, sản lượng, doanh số bán lẻ và thu nhập hộ gia đình. Năm ngoái, NBER cho biết cuộc suy thoái gần đây nhất xảy ra vào đầu đại dịch Covid-19.
Trong cuộc họp báo ngày 15/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết NHTW hy vọng sẽ tránh được một cuộc suy thoái. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng các động thái của Fed có thể làm giảm lạm phát, tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, trong khi nền kinh tế và thị trường lao động vẫn tiếp tục tăng trưởng.
“Chúng tôi không muốn tạo ra suy thoái, phải nói rõ là thế”, ông Powell chia sẻ.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng một cuộc suy thoái đã xảy ra rồi. “Tôi cho rằng khả năng Mỹ đã rơi vào suy thoái rất cao. Đây cũng là kịch bản cơ bản của chúng tôi”, Sébastien Mc Mahon, Chuyên gia kinh tế trưởng của Industrial Alliance Investment Management, cho biết. “Chúng ta nên kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ xoay quanh mức 0% trong vài quý, đồng nghĩa rằng thậm chí có thể xảy ra một vài cuộc suy thoái về mặt kỹ thuật liên tiếp trước khi năm 2023 kết thúc”.
Trong khi đó, Stephen Stanley, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont ở New York, nhận định Mỹ sẽ tránh được suy thoái ít nhất trong hết năm nay bởi vì các hộ gia đình ở nước này đang tiếp tục duy trì mức tài sản cao nhờ giá nhà tăng và chương trình hỗ trợ Covid của Chính phủ.
“Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn với tốc độ tăng trưởng cực kỳ mạnh mẽ sang giai đoạn tăng trưởng giảm tốc. Tôi không loại bỏ khả năng suy thoái, mà chỉ cho rằng suy thoái sẽ không xảy ra trong năm nay”, ông Stanley nói.
Tuy vậy, dù tăng trưởng GDP suy yếu nhưng thị trường việc làm lại tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngày 16/06, Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp – một thước đo chính về mức độ thắt chặt của thị trường lao động – đã giảm 3,000 đơn trong tuần trước, xuống còn 229,000 đơn. Đây là mức tương đối thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức bình quân năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Các nhà tuyển dụng tại Mỹ bình quân tuyển thêm 488,000 việc làm/tháng trong 5 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức bình quân trong lịch sử. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 tại Mỹ ở mức 3.6%, gần với mức thấp nhất trong nửa thế kỷ đạt được vào năm 2020 – thời điểm trước khi đại dịch khiến nền kinh tế nước này rơi vào một cuộc suy thoái sâu nhưng ngắn hạn.
Thị trường nhà ở nhanh chóng mất đà khi lãi suất đã tăng mạnh. Bên cạnh sự suy giảm về số nhà mới khởi công, số giấy phép xin khởi công cũng đã giảm trong tháng 5 và doanh số bán nhà có sẵn đã giảm 2.4% trong tháng 4/2022.
Trong vài tuần gần đây, một số giám đốc doanh nghiệp vẫn tỏ ra tự tin vào khả năng vượt qua suy thoái. Các công ty bán lẻ và du lịch cho biết họ đang theo dõi dữ liệu để thay đổi nếu cần thết.
Kirsten Lynch, Giám đốc điều hành tại Vail Resorts, cho biết: “Xu hướng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn khá tích cực tại thời điểm này, nhưng rõ ràng chúng tôi cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi nhanh như hiện tại”.
Vũ Hạo (Theo WSJ)