Kinh tế Mỹ thoát cảnh tăng trưởng âm, phục hồi 3,2% trong quý 3
Theo Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng 3,2% trong quý 3/2022 đạt được chủ yếu nhờ chi tiêu dùng và đầu tư tăng hơn hẳn so với dự báo được đưa ra trước đó.
Ngày 22/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố nền kinh tế tăng trưởng 3,2% trong quý 3.
Đây là lần đầu tiên trong năm nay nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy sự tăng trưởng dương trở lại sau 2 quý đầu tiên tăng trưởng âm khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.
Với mức tăng trưởng của quý 3 như vậy, giới chức Mỹ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong cả năm 2022 sẽ ở mức khoảng 2,9%, cao hơn so với dự báo được đưa ra trước đó hồi tháng 10 là 2,6%.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực chi tiêu dùng, mặc dù chi tiêu cho các loại dịch vụ tăng nhưng có thể thấy mua sắm các hàng hóa giá trị lớn như ôtô, phụ tùng, cũng như chi tiêu cho thực phẩm ăn uống, có giảm do các hộ gia đình phải đối mặt với giá cả tăng vọt.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu cá nhân trong quý 3/2022 tăng 2,3%, cao hơn so với mức tăng được dự báo trước đó là 1,7%, nhưng không rõ xu hướng này có tiếp tục kéo dài trong thời gian tới hay không. Chi tiêu của chính phủ cũng tăng, chủ yếu do chi lương cho lực lượng công chức, viên chức và chi cho quốc phòng.
Giới chuyên gia tại địa bàn nhận định rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương và các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay nhằm kiềm chế mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.
Một tín hiệu tích cực khác là niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng.
Cụ thể, theo Tổ chức nghiên cứu Conference Board, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên 108,3 trong tháng 12/2022, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, và cao hơn mức 101,4 trong tháng 11/2022. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự đoán chỉ số này ở mức 101.
So với cùng kỳ năm ngoái lạm phát tiêu dùng trong tháng 12/2022 dự kiến giảm xuống 6,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, so với mức 7,1% trong tháng 11. Sự cải thiện này, chủ yếu nhờ giá xăng thấp hơn, phù hợp với số liệu gần đây cho thấy giá cả tiêu dùng tăng vừa phải trong tháng 11/2022, đồng thời củng cố quan điểm rằng lạm phát, dù vẫn ở mức cao, đã đạt "đỉnh" trong nhiều tháng trước.
Chỉ số tình hình hiện nay, dựa trên những đánh giá của người tiêu dùng về điều kiện kinh doanh và thị trường lao động, đã tăng lên 147,2 so với mức 138,3 trong tháng trước.
Chỉ số kỳ vọng, dựa trên triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng về thu nhập, kinh doanh và môi trường lao động, đã tăng từ 76,7 lên 82,4.
Tuy nhiên, chỉ số này vẫn gần mức 80, một mức mà Conference Board cho rằng vẫn có khả năng liên quan đến suy thoái kinh tế.
Do đó, người tiêu dùng ít quan tâm đến việc mua các mặt hàng có giá trị lớn trong 6 tháng tới. Tỉ lệ người tiêu dùng dự định mua xe ít thay đổi, trong khi ý định mua thiết bị gia dụng thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Điều này cũng liên quan đến việc chi phí vay cao hơn vì hầu hết các hàng hóa này được mua bằng tín dụng.
Minh Hoa (t/h)