Kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm', tại sao không?
Ngày càng xuất hiện các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ đạt được mục tiêu.
Khi nói về Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, một cú “hạ cánh mềm” xuất hiện hiếm như sao chổi Halley. Lý do là bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong lịch sử không nhiều lần nâng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nói cách khác là một cú “hạ cánh cứng”. Tuy nhiên lần này, có vẻ như Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thực hiện được “điều không thể”.
Đây là quãng thời gian đặc biệt nếu xét trên khía cạnh kinh tế học. Hoạt động kinh tế sụt giảm, được phản ánh qua con số thống kê tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên, xuất hiện những bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng kinh tế Mỹ không hề suy thoái.
Nền kinh tế số một thế giới tạo ra 2,74 triệu việc làm mới trong 6 tháng đầu năm nay. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho thấy không ít doanh nghiệp như Starbucks và Uber dù lạm phát định giá liên tục tăng. Lĩnh vực du lịch chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ nhu cầu, với tỷ lệ lấp phòng của hệ thống khách sạn Marriott International tiệm cận ngưỡng trước đại dịch.
Nếu như bạn có một chuyến bay nội địa trong nước Mỹ thời gian gần đây, bạn hoàn toàn có thể nhận ra rằng chuyến bay nào cũng chật kín chỗ và các sân bay luôn trong tình trạng đông đúc.
Nếu đây là một giai đoạn suy thoái, nó thật kỳ lạ. Nhưng suy thoái có muôn hình vạn trạng. Cuộc suy thoái 1990-1991 chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản thương mại và ngân hàng dù phải tới năm 1995, tỷ lệ thất nghiệp quay trở lại ngưỡng trước suy thoái.
Nếu xét về GDP, cuộc khủng hoảng bong bóng dot-com năm 2001 khó có thể coi là một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nó được cảm nhận rõ nhất qua sự giảm điểm của thị trường chứng khoán.
Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ, đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này tăng lên ngưỡng 10%, kéo sập thị trường nhà ở và khiến cho tỷ lệ phá sản cá nhân cao đột biến.
GDP của nước Mỹ giảm gần 1/3 khi đương đầu với đại dịch Covid-19 trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận ngưỡng 15%. Tuy nhiên, nền kinh tế đã nhanh chóng hồi phục nhờ vào các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ chưa từng có tiền lệ.
Có lẽ, lý do mà nhiều người tranh luận kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái những ngày này là bởi những ám ảnh về hai giai đoạn suy thoái gần đây nhất. Họ lo sợ rằng một cuộc suy thoái với cấp độ tương tự đang ập tới.
Trên mạng xã hội, mọi người thi nhau bàn tán về định nghĩa một cuộc suy thoái và thời điểm mà nó bắt đầu. Định nghĩa kỹ thuật của một cuộc suy thoái hiện tại được thể hiện qua hai quý GDP sụt giảm hai quý liên tiếp, giống như những gì kinh tế Mỹ đã trải qua trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, kết luận chính thức lại tới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) với một đánh giá toàn diện hơn.
Và thị trường lao động chính là nguồn cơn gây tranh cãi suốt thời gian qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 7 giảm xuống ngưỡng thấp nhất nửa thế kỷ 3,5%, tương đương với thời điểm năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát.
Mặc dù số lượng việc làm mở mới giảm từ đỉnh 11,9 triệu đơn trong tháng 3 xuống dưới 11 triệu đơn vị thời gian gần đây, tuy nhiên, con số này vẫn ở ngưỡng cao so với giá trị trung bình thống kê từ năm 1999. Chỉ số đo lường tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của Viện Quản lý cung ứng (ISM) cũng bất ngờ tăng lên ngưỡng cao nhất ba tháng trong tháng 7 vừa qua.
Chưa dừng lại ở đó, các thị trường tài chính cũng đang diễn biến theo hướng Fed sẽ đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế. Tính từ giữa tháng 6, chỉ số S&P 500 tăng 16,7%, chỉ số Dow Jones tăng gần 13% và Nasdaq tăng 22,6%, thoát khỏi thị trường giá xuống. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc triển vọng đối với nền kinh tế đã sáng sủa hơn nhiều so với thời gian trước đó.
Lạm phát, rủi ro lớn nhất đe dọa kinh tế Mỹ cũng đang có dấu hiệu suy giảm. Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đi ngang so với tháng trước đó nhờ vào đà giảm của giá xăng trong khoảng hơn một tháng trở lại đây. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng bất ngờ sụt giảm lần đầu tiên sau hai năm. Và quan trọng hơn, kỳ vọng lạm phát của người dân Mỹ cũng thấp hơn so với lần thống kê trước đó.
Chủ tịch Cục dự trữ St Louis James Bullard nhận định nền kinh tế số một thế giới có thể tránh được một cuộc suy thoái, dù ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất nhằm sớm đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu. Fed trước đó nhận về nhiều chỉ trích vì đã không thể lường trước diễn biến phức tạp của lạm phát, nhưng nếu họ có thể kiểm soát đà tăng giá cả mà không gây ra quá nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế, họ sẽ sớm khôi phục được mức độ tín nhiệm như thời gian trước đó.
Những bài học từng được đúc rút trong quá khứ dường như không phát huy nhiều tác dụng ở thời điểm hiện tại nếu như nhìn vào những gì đã xảy ra trong hai năm gần đây. Không ai có thể ngờ tới việc nền kinh tế đột nhiên “đứng khựng” lại rồi tụt dốc không phanh, khiến cho 17 triệu người mất việc làm và GDP giảm 31% so với năm trước đó. Nhưng đột ngột, nền kinh tế lại vùng dậy mạnh mẽ sau khi chính phủ tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhắm thẳng tới túi tiền của hàng trăm triệu người dân, cùng với đó là một loạt các chính sách tiền tệ thả lỏng. Điều đó sẽ khiến cho bất cứ ai kỳ vọng nền kinh tế luôn tuân theo những quy luật trồi sụt thông thường sẽ cảm thấy thất vọng. Có thể, đã đến lúc chúng ta cần phải tìm ra một hướng đi hoàn toàn mới để miêu tả rõ nhất những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại.
Theo Trọng Đại