Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc lại hạ lãi suất

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 14:57:07

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lại giảm lãi suất cho vay trong ngày 22/8 mặc dù vừa hạ lãi suất trong tuần trước đó.


Hôm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) - loại lãi suất tham chiếu tính cho doanh nghiệp và người mua nhà để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang giảm tốc mạnh vì đại dịch COVID-19. Động thái hạ lãi suất LPR hôm nay được theo dõi vô cùng sát sao bởi nó diễn ra đúng 1 tuần sau khi PBOC bất ngờ hạ lãi cho vay ngắn hạn.

Cụ thể, PBOC sẽ giảm 0,05 điểm % đối với lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm và giảm 0,15 điểm % đối với lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm. Đây là lần thứ 2 trong năm nay lãi suất LPR được giảm.


Tuần trước, PBOC cũng đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn (MLF) lần thứ 2 trong năm nay nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường bất động sản .

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)


Áp lực điều hành chính sách tiền tệ của Trung Quốc

Tuy nhiên dường như mức giảm của PBOC là khá nhỏ trong khi tăng trưởng GDP quý II vừa qua chỉ ở mức 0,4% - mức thấp nhất 20 năm do các chính sách Zero COVID tiếp tục làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động.

Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của PBOC hiện nay được các chuyên gia đánh giá là khá hạn chế do lo ngại lạm phát gia tăng. Do vậy mức từ 5 - 15 điểm cơ bản giảm lãi suất cho vay cơ bản sáng nay là hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, liệu lần hạ lãi suất này có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hay không vẫn sẽ là câu hỏi khó có lời giải.

Tháng 7 vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn Trung Quốc giảm mạnh chỉ bằng 1/4 so với tháng 6. Nguyên nhân là do sự xáo trộn trên thị trường bất động sản đã đè nặng lên hoạt động cho vay của ngân hàng. Trong khi nhu cầu vay của khối doanh nghiệp cũng giảm bằng 1/10 so với trước đó.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC (Nguồn: Reuters)

Một số nhà phân tích cho rằng, việc cắt giảm lãi suất "khiêm tốn" không có nhiều hiệu quả nếu các công ty và người tiêu dùng vẫn cảnh giác với việc đi vay và gánh thêm nợ nhưng là động thái cần thiết để tiếp tục kích hoạt một loạt các chính sách nhằm ổn định tăng trưởng.

"Chắc chắn việc cắt giảm lãi suất không đủ để giải quyết vấn đề nhu cầu tín dụng yếu nhưng đó là một bước quan trọng để hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhu cầu này tích cực dần lên. PBOC cần mạnh tay hơn nếu không muốn một "bẫy thanh khoản" xuất hiện - nơi lãi suất thấp không thể thúc đẩy cho vay trong nền kinh tế, do mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu", ông Larry Hu - người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities cho hay.

Do vậy thị trường dự đoán Trung Quốc sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) một lần nữa trong quý IV thêm 10 điểm cơ bản. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cố gắng thúc giục các ngân hàng cho vay nhiều hơn, cắt giảm chi phí cho vay và nới lỏng một phần các quy định về quyền sở hữu tài sản.

Ngoài ra, một công cụ khác trong chính sách tiền tệ được các nhà kinh tế kỳ vọng đó là PBOC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Ping An Securities dự báo PBOC có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ khoảng 25-50 điểm cơ bản trong thời gian từ tháng 9 - 12 tới. Hồi tháng 4, PBOC cũng đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Động thái bất ngờ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất hôm 17/1 đầu tuần có thể làm gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ, theo CNBC.

Chia sẻ Facebook