Kinh tế Đức sẽ hầu như “đứng im không nhúc nhích”

Chia sẻ Facebook
28/03/2024 03:09:46

Chính phủ Đức gần đây cũng hạ mạnh dự báo kinh tế của mình và liên minh cầm quyền 3 bên của Thủ tướng Olaf Scholz đang bị chia rẽ về cách xoay chuyển tình thế.


Đức vẫn đang phải vật lộn với “bộ 3 vấn đề”, bao gồm lạm phát cao, lãi suất cao và xuất khẩu yếu, vốn đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu thu hẹp 0,3% trong năm ngoái.


Nền kinh tế Đức được dự đoán sẽ khó tăng trưởng trong năm nay, các viện kinh tế hàng đầu cho biết hôm 27/3, cùng với việc nhu cầu yếu trong và ngoài nước làm chậm con đường phục hồi.


Nền kinh tế số 1 “cựu lục địa” sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% vào năm 2024, 5 tổ chức tư vấn cho biết trong một tuyên bố chung. Dự báo mới nhất cho thấy kinh tế Đức sẽ hầu như đứng im không nhúc nhích, và là một mức sụt giảm mạnh so với dự báo tăng trưởng 1,3% trước đó của chính các tổ chức này.


“Các yếu tố mang tính chu kỳ và cơ cấu đang chồng chéo lên nhau trong sự phát triển kinh tế tổng thể chậm chạp”, ông Stefan Kooths, chuyên gia từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel), cho biết. “Mặc dù sự phục hồi có thể bắt đầu từ mùa xuân nhưng động lực chung sẽ không quá mạnh”, vị chuyên gia nói thêm.


Nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong năm ngoái do lạm phát, lãi suất cao và xuất khẩu giảm sút, đồng thời đang phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng ảm đạm.


Các tổ chức tư vấn, gồm DIW, Ifo, IfW Kiel, IWH và RWI, cho biết mặc dù lạm phát ở nền kinh tế số 1 Eurozone đã giảm đều đặn trong những tháng gần đây, nhưng chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng “muộn hơn và kém năng động hơn” so với dự báo trước đó do tăng trưởng tiền lương bị đình trệ.


Và lĩnh vực xuất khẩu của Đức, vốn thường là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đang phải chịu đựng tình trạng ngoại thương hạ nhiệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mong manh.

Khách hàng mua sắm trong một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh: DW


Đặc biệt, các doanh nghiệp thâm dụng năng lượng đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng vọt theo sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine, góp phần làm sụt giảm sản xuất tại cường quốc công nghiệp châu Âu.


Trong khi đó, các khoản đầu tư của doanh nghiệp đã bị giảm sút do lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lên, khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn và do “sự không chắc chắn về chính sách kinh tế”, 5 tổ chức tư vấn trên cho biết.


Chính phủ Đức gần đây cũng hạ mạnh dự báo kinh tế của mình, dự kiến sản lượng sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm nay. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tháng trước thừa nhận nền kinh tế đang ở trong tình trạng khó khăn và cần tăng cường cải cách.


Nhưng chính phủ liên minh 3 bên – bao gồm SPD của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Đảng Xanh của ông Habeck và Đảng FDP của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner – đang bị chia rẽ về cách xoay chuyển tình thế.


Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Chính phủ nới lỏng “phanh nợ” được quy định trong hiến pháp, mức trần tự áp đặt đối với khoản vay hàng năm, nhằm tăng cường chi tiêu các khoản rất cần thiết cho hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và chuyển đổi xanh của đất nước. Ông Habeck ủng hộ việc nới lỏng các quy định về nợ, nhưng ông Lindner lại kịch liệt phản đối.


Các tổ chức cố vấn cũng đề xuất một “cải cách nhẹ” về biện pháp “phanh nợ” để cho phép “có nhiều khoản đầu tư được tài trợ bằng nợ hơn trước”.


Nhìn về tương lai, các tổ chức tư vấn dự đoán sự phục hồi sẽ tăng tốc vào năm tới khi lạm phát giảm bớt và nhu cầu tăng lên. Theo đó, nền kinh tế Đức được cho là sẽ tăng trưởng 1,4% vào năm 2025, chỉ thấp hơn một chút so với dự báo trước đó là 1,5% .


Minh Đức (Theo AFP/France24, TRT World)

Chia sẻ Facebook