Kinh tế Đức có thể rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 14:04:22

Là một trong những đầu tàu quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) nhưng Đức lại đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng xảy ra trong thời gian tới do giá năng lượng tăng mạnh, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát.

Phát biểu với báo giới Đức, Bộ trưởng Tài chính nước này cho rằng do cuộc xung đột tại Ukraine nước Đức phải đối mặt với một giai đoạn hết sức khó khăn và "một tình huống rất đáng lo ngại" đang đến trong vài tuần hoặc vài tháng nữa.

Nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong khoảng 3 - 4 năm, thậm chí có thể 5 năm tới. Để ứng phó với việc Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt bất cứ lúc nào, ông Lindner kêu gọi tiếp tục kéo dài thời gian vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động ở Đức để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng.


Trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine , EU nhập khẩu khí đốt của Nga để đáp ứng cho 40% nhu cầu khí đốt của khối này và riêng tại Đức, tỷ lệ này lên tới 55%. Tuy nhiên, sau khi xung đột xảy ra, giá khí đốt đã tăng vọt trên toàn cầu, đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đau đầu tìm cách ngăn chặn khu vực này rơi vào đình trệ kinh tế.


Đứng trước những thách thức lớn về nguồn cung khí đốt, Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2022 từ mức dự báo 3,5% đưa ra trước khi bùng phát cuộc xung đột Ukraine, xuống mức 1,5%.

Theo tính toán của Viện Kinh tế Đức (IW), đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thiệt hại tới 350 tỷ Euro.

Chia sẻ Facebook