Kinh tế Anh trong cơn "cuồng phong" giữa lúc Thủ tướng từ chức

Chia sẻ Facebook
09/07/2022 00:21:35

Việc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức làm trầm trọng thêm những bất ổn đối với nền kinh tế Anh – vốn đang chịu áp lực lớn bởi lạm phát gần hai con số, rủi ro suy thoái và những vấn đề xoay quanh Brexit sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)...

Kinh tế Anh trong cơn "cuồng phong" giữa lúc Thủ tướng từ chức

Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images


Cuộc đua tìm kiếm người thay thế ông Johnson – người tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ ngày 7/7 – có thể mất vài tuần. Điều này khiến nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đối mặt rủi ro lớn khi mà đồng Bảng Anh đang ở mức thấp nhất 2 năm so với đồng USD , còn Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” với việc tăng lãi suất mà không ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.


SỨC ÉP LẠM PHÁT, SUY THOÁI

Thời gian của các cuộc tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ tại Anh thường không giống nhau. Trước đây, bà Theresa May cần chưa tới ba tuần để giành đắc cử sau khi cựu Thủ tướng David Cameron từ chức vào năm 2016. Tuy nhiên, ông Johnson hồi năm 2019 đã mất tới 2 tháng để trở thành nhà lãnh đạo mới sau khi bà May tuyên bố ý định từ chức. Lần này, cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ có thể có ít nhất 6 ứng viên.

Tại Anh, sức ép lạm phát giờ đây thậm chí lớn hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác với tỷ lệ lạm phát đang là 9,1%, mức cao nhất 40 năm. BoE dự báo tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 11% trong năm nay.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo Anh sẽ đối mặt lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong năm 2023.

Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức ngày 7/7 - Ảnh: Getty Images

Việc đồng Bảng Anh sụt giá gần đây càng làm gia tăng sức ép lạm phát với nền kinh tế. Đồng tiền này tăng giá nhẹ trong phiên giao dịch ngày 7/7 nhờ triển vọng tăng chi tiêu công và chính sách giảm thuế của Chính phủ. Tuy nhiên, dù ai thay thế ông Johnson, tân Thủ tướng cũng sẽ có rất nhiều việc phải làm để giải quyết tác động của tình trạng giá cả thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Người kế nghiệm ông Johnson cũng sẽ phải đưa ra các quyết định lớn liên quan tới chính sách thuế và chi tiêu của Chính phủ nhằm giảm rủi ro xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng thêm sức ép lạm phát tới nền kinh tế.


Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak - người từ chức hôm 5/7 - trước đó không ủng hộ quan điểm giảm thêm thuế của Thủ tướng Johnson. Ưu tiên trong ngắn hạn của ông Sunak trước khi từ chức là giảm gánh nặng nợ khi số nợ đã tăng vượt 2.000 tỷ Bảng Anh (tương đương 2.405 tỷ USD ) trong đại dịch Covid-19.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi của Mỹ dự báo hai ứng cử viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ Priti Patel và Liz Truss - từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao trong Nội các của ông Johnson - có thể kêu gọi giảm thuế nhanh và tăng chi tiêu. Trong khi đó, ông Sunak và cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid - cũng là hai ứng viên tiềm năng - sẽ thận trọng hơn trong chính sách tài chính.

Giới phân tích nhận định, quyết định của tân lãnh đạo sẽ có tác động lâu dài đối với nền kinh tế Anh.

Cơ quan giám sát ngân sách của Anh ngày 7/7 nhận định tỷ lệ nợ của nước này có thể tăng gấp hơn 3 lần lên mức gần 320% GDP trong 50 năm tới nếu các chính phủ tương lai không thắt chặt chính sách tài khóa.


VẤN ĐỀ DAI DẲNG VỚI BREXIT

Cùng với lạm phát và nợ, Brexit cũng là một vấn đề đau đầu ở Anh lúc này. Hơn 6 năm sau cuộc trưng cầu dân ý quyết định đưa Anh rời khỏi EU, London và Brussels vẫn đang bế tắc khi ông Johnson nhất quyết muốn viết lại các quy định – mà ông đã đồng ý vào năm 2019 – về vấn đề thương mại liên quan tới Bắc Ireland.

Khả năng cải thiện quan hệ với EU dưới chính phủ mới khiến nhiều nhà kinh tế quan tâm lạc quan về triển vọng xuất khẩu và đầu tư tốt hơn của Anh. Tuy vậy, quan hệ thương mại nói chung giữa Anh và EU có thể không thay đổi nhiều.

Đó là chưa kể tới việc một trong những ứng viên hàng đầu thay thế ông Johnson - cựu ngoại trưởng Liz Truss - từng công khai ủng hộ lập trường đối đầu với EU.

Trong những tháng tới, chúng ta sẽ thấy Anh rơi vào trạng thái tiêu chuẩn sống bị bóp nghẹt chưa từng thấy trong một thế hệ, cùng với đó là việc thiếu một chiến lược rõ ràng và phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc trong Chính phủ. Do đó, nguy cơ họ mắc sai lầm chính sách nghiêm trọng là rất lớn.

CÁC NHÀ PHÂN TÍCH TẠI NGÂN HÀNG CITI (MỸ)

Về chính sách tiền tệ, từ tháng 12/2021, BoE đã 5 lần tăng lãi suất và phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng, nhiều nhất có thể tăng 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào tháng 8 tới.

Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây khiến giới đầu tư dự báo BoE ít khả năng đưa ra một đợt điều chỉnh lãi suất lớn như vậy. Sự thiếu chắc chắn về định hướng trong chính sách tài khóa của Anh cũng là một lý do nữa để nhà đầu tư phải thận trọng.

Dù sự ra đi của ông Johnson kết thúc một chương của một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị Anh hiện đại, vẫn còn phải xem liệu người kế nhiệm ông có thể xoa dịu mọi thứ hay không.

“Kinh tế Anh sẽ được hưởng lợi nếu người thay thế ông Johnson là một nhà lãnh đạo siêng năng và nghiêm túc hơn”, nhà phân tích Kallum Pickering tại Berenberg, bình luận.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Citi tỏ ra hoài nghi về việc các phe phái trong Đảng Bảo thủ có thể thống nhất với nhau theo một chiến lược rõ ràng.

“Trong những tháng tới, chúng ta sẽ thấy Anh rơi vào trạng thái tiêu chuẩn sống bị bóp nghẹt chưa từng thấy trong một thế hệ, cùng với đó là việc thiếu một chiến lược rõ ràng và phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc trong Chính phủ. Do đó, nguy cơ họ mắc sai lầm chính sách nghiêm trọng là rất lớn”, các nhà phân tích của Citi nhận định.

Hoài Thu


VnEconomy

Chia sẻ Facebook