Kinh tế Anh: một tuần đi tàu lượn
Ngày 3-10-2022, tôi và một bạn làm kinh doanh vốn ở London ngồi thảo luận trực tuyến về thị trường và cùng nhìn đồng bảng Anh lên giá một mạch thẳng về mức 1,12 đô la Mỹ. Bạn bình luận “Liz Truss bắt đáy đồng bảng Anh rồi!”.
Kinh tế Anh: một tuần đi tàu lượn
Bình luận buồn cười này của bạn xuất phát từ thực tế bảng Anh tăng một mạch từ 1,08 lên thẳng 1,12 đô la Mỹ. Trước đó, bảng Anh có lúc đã rớt xuống mức thấp nhất là 1,03 đô la Mỹ trước khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) can thiệp với tuyên bố “mua không hạn chế trái phiếu dài hạn” để ổn định thị trường. Dù vậy, thị trường vẫn nghi ngờ về tương lai của bảng Anh cho đến khi vào sáng thứ Hai, 3-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Kwasi Kwarteng chính thức “quay xe”, hủy kế hoạch cắt giảm thuế suất cho những người giàu nhất.
Trong vòng hơn một tuần, từ 23-9 đến 3-10, bảng Anh đi tàu lượn từ 1,12 đô la Mỹ về thấp nhất 1,03 rồi lại lượn lên 1,13 đô la Mỹ. Điều gì đã xảy ra?
Nó xuất phát từ chuyện Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã công bố một kế hoạch chi tiêu ngân sách “mini”, trong đó xác định đường lối giảm thuế, bao gồm giảm thuế cho người giàu với thuế suất cao nhất. Tổng gói giảm thuế này có giá trị 45 tỉ bảng Anh và phải tài trợ phần lớn bằng việc tăng vay mượn.
Ngay sau thông tin này, nhiều tổ chức phân tích độc lập đã đưa ra đánh giá, trong đó có ước tính nước Anh sẽ đẩy chi phí vay nợ trong vòng hai năm tới lên… 10 lần, từ 0,4% lên 4%! Lượng trái phiếu dự kiến phát hành của Anh cho năm tài khóa 2022-2023 sắp tới sẽ tăng hơn ba lần, từ 62 tỉ lên gần 194 tỉ bảng Anh. Vay nhiều hơn với lãi suất cao hơn, tự khắc rủi ro bị đánh tụt hạng tín nhiệm của Anh sẽ tăng lên. Đến đây thì vòng xoáy hỗn loạn của thị trường tài chính Anh bắt đầu.
Những người sở hữu trái phiếu của chính phủ Anh lập tức nhìn ra vấn đề. Nước Anh sẽ phải bán ra nhiều trái phiếu hơn, với lãi suất cao hơn, đồng thời BoE đang phải tăng lãi suất và giảm mua trái phiếu, rút tiền về để chống lạm phát. Nguồn cung dự kiến tăng ba lần, trong khi người mua lớn nhất thị trường đang giảm mua, và lãi suất sẽ còn tăng.
Ai học cơ bản về trái phiếu ngày đầu tiên cũng hiểu giá trái phiếu sẽ giảm, và do đó sẽ phải bán trái phiếu ra. Ai là người sở hữu nhiều trái phiếu nhất? Các quỹ hưu trí, đặc biệt là các quỹ dùng các công cụ vay nợ như LDI (liability-driven investing).
Công cụ LDI cũng có đặc tính tương tự như dùng margin mua cổ phiếu của Việt Nam để tăng lợi nhuận các quỹ hưu trí, nhất là những quỹ đang thâm hụt (under-funded). Khi giá cổ phiếu giảm thì sẽ xảy ra hiện tượng phải bù vốn (margin call). Điều tương tự xảy ra, và các quỹ hưu trí này phải tranh nhau bán trái phiếu, dẫn đến mất thanh khoản trên thị trường trái phiếu và dẫn đến nguy cơ sụp đổ của các quỹ hưu trí ở Anh.
Trong vòng hơn một tuần, từ 23-9 đến 3-10, bảng Anh đi tàu lượn từ 1,12 đô la Mỹ về thấp nhất 1,03 rồi lại lượn lên 1,13 đô la Mỹ. Điều gì đã xảy ra? |
Can thiệp của BoE, vì vậy, không phải là để chặn đà sụt giảm của bảng Anh như nhiều người tưởng. Thực tế, họ vừa chặn cho nước Anh không rơi vào một đợt khủng hoảng tài chính toàn diện, bởi vì sự sụp đổ của các quỹ hưu trí sẽ dẫn đến sự sụp đổ của không chỉ bảng Anh mà còn thị trường cổ phiếu và có thể lây lan nhanh ra các thị trường phái sinh toàn cầu.
Như tác giả Toby Nangle viết trên Financial Times, BoE vừa cứu trợ tất cả mọi người trong nền kinh tế với gói hỗ trợ 65 tỉ đô trong 13 ngày để ổn định thị trường.
Bảng Anh mất giá, vì vậy, thể hiện một nỗi lo sợ tổng hợp về kinh tế Anh: rủi ro vỡ nợ trái phiếu chính phủ tăng lên vì vay nhiều hơn và đắt hơn, nỗi lo tháo chạy vốn, nỗi lo khủng hoảng kinh tế. Tất cả đã tạm thời qua đi, nhưng nó có quay lại hay không thì chưa ai biết.
Có một điều, sau những lộn xộn trên thị trường Anh, nhà kinh tế và đầu tư kỳ cựu Ed Yardeni cảnh báo: những “người phán xử trên thị trường trái phiếu” (“bond vigilantes”) đã trở lại. Hiểu nôm na, khi mà chính sách tài khóa và tiền tệ có dấu hiệu mất kiểm soát, đây sẽ là lực lượng trừng phạt những chính sách vay nợ hay tạo ra lạm phát thiếu kiểm soát bằng cách bán trái phiếu và tạo ra những đợt biến động lớn, có thể dẫn đến khủng hoảng như vừa qua ở Anh.
Những người này đang quanh quẩn ở rất nhiều nền kinh tế, và sẵn sàng ra tay. Những đợt sốc trái phiếu này sẽ không chỉ diễn ra ở Anh mà thôi.
Quay lại câu chuyện của Anh, bài học mà chính phủ mới của Thủ tướng Liz Truss vừa nhận được trong quá trình đi tàu lượn hơn một tuần vừa qua có hai điều. Thứ nhất, không được xem thường thị trường. Cặp đôi Truss-Kwarteng đã quá xem thường tác động của tuyên bố cắt giảm thuế và tăng mạnh nợ vay không đúng lúc. Thứ hai, chính sách tài khóa thiếu thận trọng sẽ khiến thị trường lo sợ, nhất là vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay, khi thanh khoản của nền kinh tế đang cạn dần.
Vay nợ để kích thích kinh tế có lý lẽ của nó, nhưng mức độ và thời điểm công bố chính sách cần phải tính toán kỹ. Niềm tin của thị trường vào chính phủ của bà Liz Truss có lẽ đã mất đi hoàn toàn sau tuyên bố chính sách không cân nhắc và rồi phải “quay xe” vừa qua.
Niềm tin có thể khó mà lấy lại, và bảng Anh vẫn sẽ chịu sức ép giảm giá không nhỏ. Để khôi phục điều đó, ông Kwarteng dự kiến sẽ công bố sớm kế hoạch cắt giảm thuế trong trung hạn, lá bài tẩy mà ông tính giữ lại vào cuối tháng 11.
TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh
TBKTSG