Kinh tế Anh: Ly nước nửa đầy hay nửa vơi…
“Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát nước Anh sẽ lên đến 18,6% vào đầu năm sau”. Bạn tôi, Chris, nhắn tin này cho tôi với vài dấu chấm than. Mà đây không phải là con số vĩ mô xấu nhất…
Kinh tế Anh: Ly nước nửa đầy hay nửa vơi…
Lạm phát 18,6% và suy thoái dài nhất kể từ 2008
Chris và tôi ở trong cái nghề dùng kết quả dự báo phục vụ cho việc đầu tư đủ lâu để biết không thể tin vào bề mặt con số. Đặc biệt là với Chris, người dành nửa cuộc đời mình làm các mô hình dự báo và làm một luận văn tiến sĩ ở Úc về dự báo.
Nhưng nó có ý nghĩa của nó. Nếu BoE dám dự báo lạm phát gần 19% trong năm sau đồng nghĩa rằng dự báo lạm phát hơn 13% của Anh vào tháng 10 là không phải quá bi quan. Lạm phát vượt xa 10% vào những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 có thể là thật.
Và đây không phải là con số vĩ mô xấu nhất. BoE cũng dự báo nước Anh sẽ đi vào một đợt suy thoái dài nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và kéo dài hết cả năm 2023 (với năm quí liên tiếp có tăng trưởng GDP âm kể từ quí 4-2022).
Thu nhập thực của các hộ gia đình sẽ sụt giảm khoảng 3,7% và GDP sẽ sụt giảm khoảng 2,1% vào cuối năm 2023. Trần các hóa đơn chi phí năng lượng mà hộ gia đình phải trả được dự kiến tăng 70% hoặc hơn vào tháng 10, và có thể đạt mức gần 5.500 bảng Anh trong năm sau, từ mức 1.971 bảng Anh hiện nay.
Lạm phát cao gần 20%, thu nhập thực người dân sẽ giảm (vì lạm phát tăng nhanh hơn lương) và kinh tế sẽ suy thoái năm quí liên tiếp. Xem ra kinh tế Anh sẽ rất xấu? Christopher Dembik, lãnh đạo nhóm phân tích vĩ mô của Saxo Bank nói “nước Anh ngày càng giống một nền kinh tế đang phát triển”, chỉ khác là chưa có khủng hoảng tiền tệ. Bảng Anh vẫn giữ mốc khoảng 1,2 đô la Mỹ/bảng Anh vào thời điểm Christopher phát biểu.
Vậy phải chăng người Anh đang sống rất khó khăn? Còn tùy bạn hỏi ai!
Ly nước nửa đầy hay nửa vơi
“Tùy cậu nhìn vào vấn đề là ly nước nửa đầy hay nửa vơi”. Thú vị thay đó là quan điểm mà rất nhiều nhà kinh tế tôi tiếp xúc đưa ra khi nói về kinh tế Anh từ nay đến cuối năm 2023.
Thứ nhất, số liệu dự báo luôn thiếu chính xác và thường thay đổi. Thứ hai, đây là một trong những đợt suy thoái được dự báo trước rõ ràng nhất và được các kênh truyền thông lặp đi lặp lại hầu như hàng ngày. Điều đó sẽ khiến người dân có dự trù trước trong trường hợp xấu. Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất: thị trường việc làm vẫn tốt, tỷ lệ thất nghiệp vẫn chỉ 3,8%, thấp nhất trong nhiều năm. Số việc làm được quảng cáo vẫn tăng.
Các chính sách kinh tế vì vậy cần hướng tới không phải chỉ giúp giảm nhẹ tác động của lạm phát tới người nghèo, mà còn phải làm sao để cho những hố ngăn cách cơ hội đổi đời đừng thêm rộng và sâu. Làm sao để người dân nhìn về tương lai kinh tế như là một ly nước nửa đầy mới là thành công. |
Suy thoái thì có thể nhưng khủng hoảng ở mức thất nghiệp 3,8% thì không thể nào. Một kinh tế gia kỳ cựu nói với tôi. Mà miễn không tới mức khủng hoảng kinh tế diện rộng (hàm ý đồng tiền mất giá mạnh và vỡ nợ cao) thì suy thoái 2,1% không phải là quá khủng khiếp.
Ngoài câu chuyện thất nghiệp nói trên, sức chi tiêu vẫn vững mạnh của người Anh đã khiến cây bút Larry Elliott của Guardian phải tự hỏi “Những người tiêu dùng Anh vẫn đang bình tĩnh và tiếp tục chi tiêu. Vì sao vậy?”. Với một bài viết khá dài, ông vẫn không thể thuyết phục mình hay cả độc giả như tôi, nguyên nhân chủ yếu là gì, là do nước Anh đã quá tệ, hay là người Anh vẫn chưa cảm nhận được kinh tế khó khăn vào tháng 10.
Nếu bạn đi nói chuyện với một số doanh nghiệp tại Bristol nơi tôi sống, hay London nơi tôi có nhiều bạn bè ở đó, thì không có cảm giác một đợt suy thoái rộng rãi ở đâu cả. Hai lý do tôi quan sát được có thể giải thích phần nào.
Thứ nhất, làn sóng nhập cư của người Hồng Kông trung lưu trở lên đã tạo ra một mặt bằng giá nhà mới, đồng thời chuyển rất nhiều thu nhập vào tay người bản địa ở Anh thông qua dạng tiền thuê nhà và chi tiêu tiêu dùng.
Theo số liệu của Guardian cuối tháng 4, khoảng 88.000 người Hồng Kông đã đến nước Anh và ước tính Chính phủ Anh đã cấp hơn 120.000 visa nhập cư cho người Hồng Kông tính tới cuối tháng 5-2022. Với nhiều loại visa mới được đưa ra, con số này có thể còn tăng nhiều hơn vào năm tới. Mặc dù chỉ hơn trăm ngàn người, nhưng sức chi tiêu và ảnh hưởng của nhóm người Hồng Kông vào thị trường mùa hè đặc biệt thấy rõ, khiến kinh tế mùa hè của nhiều tiệm ăn, các đơn vị bán lẻ của Anh tấp nập hơn bình thường, kéo lại phần nào sự sụt giảm chi tiêu của người Anh.
Điểm thứ hai, là do những khó khăn trong di chuyển quốc tế, và với triển vọng kinh tế mù mịt phía trước, nhiều gia đình Anh đã đổi kế hoạch đi nước ngoài nghỉ hè thành nghỉ hè ở Anh. Trào lưu nghỉ hè tại chỗ (staycation) đã góp phần kích thích không ít cho kinh tế nội địa. Maz, ông chủ tiệm ăn cá và khoai tây quen thân cho biết tình hình kinh doanh mùa hè này tốt hơn mọi năm. Một điều tra của Bưu điện Anh cho thấy nhiều người già đã rút tiền mặt ra dự phòng và quyết định đi nghỉ hè trong nước (với tỷ lệ 71% người được điều tra trong nghiên cứu).
Nỗi lo bất bình đẳng thu nhập và giới trẻ không thể “đổi đời”
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người Anh không cần lo lắng gì. Nhiều hộ gia đình thu nhập thấp sẽ vẫn đối mặt với một mùa đông đầy khó khăn khi mà sức mua thật suy giảm (do tăng lương thấp hơn lạm phát, chi phí năng lượng tăng 70%).
Bên cạnh đó, với những sinh viên tốt nghiệp vào thời kỳ khủng hoảng 2008, đây là thời điểm họ bước vào tuổi trung niên và mua nhà. Khởi đầu khó khăn khi mới ra trường, rồi lại bị Brexit, Covid-19, nay thì lạm phát cao, giá nhà tăng mạnh trong suốt ba năm 2020-2022. Đây là một thế hệ sẽ gặp nhiều khó khăn với những đợt tăng lãi suất mới của BoE.
Với những người đang vay trong khoảng 200.000-500.000 bảng Anh để mua nhà, và chỉ trả lãi suất thôi, thì họ được ước tính có thể phải trả thêm 350-500 bảng Anh mỗi tháng. Những người chưa mua nhà thì có thể còn thấy tiền thuê nhà tăng nhanh hơn như vậy nhiều.
Một thế hệ sinh viên Anh mới nhập học năm 2022 cũng sẽ phải cân nhắc hơn về việc bỏ ra hơn 9.000 bảng Anh tiền học phí (chủ yếu là vay của chính phủ), còn sinh viên quốc tế sẽ phải trả cao hơn nhiều. Gánh nặng nợ cũng như giá trị mà khoản “đầu tư giáo dục” này mang lại có thể sẽ bị xói mòn đáng kể bởi lạm phát cao trong năm nay và năm tới.
Với những sinh viên không quan hệ, không tiền, nợ nhiều, họ sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc “đổi đời”. Những sinh viên này sẽ đánh vật trong khó khăn để thoát ra khỏi cảnh ngộ ở nhà thuê, khó mua nhà và tiếp tục xài phần lớn tiền mình kiếm được trong tương lai vào việc trả tiền nhà, chi phí sinh hoạt cao, và trả lãi nợ vay. Họ sẽ khó mà leo lên được bậc thang khác trong xã hội.
Lạm phát không chỉ là một loại thuế đánh vào người nghèo, nó còn đào sâu bất bình đẳng trong xã hội và ngăn cản người trẻ đổi đời. Một xã hội nơi mà cơ hội đổi đời khó khăn như vậy mới đáng lo. Nó không còn đưa ra những tia hy vọng để người trẻ phấn đấu nữa.
Và muốn thoát khỏi cái bẫy thu nhập chỉ vừa đủ sống đó, người ta phải đặt cược vào những thứ đầy rủi ro và đầy bất định như tiền mã hóa hay cổ phiếu đầu cơ cao (meme stock) mà thôi.
Các chính sách kinh tế vì vậy cần hướng tới không phải chỉ giúp giảm nhẹ tác động của lạm phát tới người nghèo, mà còn phải làm sao để cho những hố ngăn cách cơ hội đổi đời đừng thêm rộng và sâu. Làm sao để người dân nhìn về tương lai kinh tế như là một ly nước nửa đầy mới là thành công.
Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh
TBKTSG