Kinh tế 9 tháng khởi sắc
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 3 đạt 13,67%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 12 năm
Nhiều ngành đã khôi phục và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với trước khi xảy ra dịch COVID-19 như: chế biến chế tạo, bán lẻ, dịch vụ... Có thể thấy, kinh tế 9 tháng qua đã khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Quý 3 tăng trưởng cao kỷ lục, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83%. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011 - 2022.
Một số liệu nữa cũng cho thấy rõ sự phục hồi của nền kinh tế là xuất nhập khẩu hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 558 tỷ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Nếu cùng kỳ năm 2021 nhập siêu hơn 2 tỷ USD, thì năm nay, Việt Nam xuất siêu với giá trị trên 6,5 tỷ USD.
Kinh tế tăng trưởng toàn diện hơn
Trong những ngành kinh tế tăng trưởng mạnh 9 tháng qua có thể nhận thấy những khu vực kinh tế chủ chốt như: công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%. Đây là những khu vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, nhưng cũng là khu vực đã bật dậy nhanh chóng trong những tháng qua.
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, vì vậy sự hồi sinh của ngành này là chỉ báo của việc phục hồi toàn diện sau dịch. Ngủ đông là từ được nhắc đến nhiều với các doanh nghiệp du lịch suốt 2 năm, nhưng 9 tháng qua là lúc nhiều doanh nghiệp du lịch bung sức.
"Biến đổi để thích ứng với tình hình mới, sử dụng công nghệ số ứng dụng vừa quản lý vận hành, quản trị doanh nghiệp, vừa quảng bá, truyền thông", ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, cho biết.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có bước bứt phá mạnh mẽ, Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn công nghệ cao.
"Việt Nam đã linh hoạt trong điều chỉnh chính sách, tận dụng các cơ hội mang lại cho Việt Nam. Vì vậy, những dòng vốn đầu tư có giá trị nhất trong điện tử đã kịp thời đổ vào Việt Nam, nó mang lại lợi thế của doanh nghiệp Việt trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam, cho hay.
"Chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng và xuất khẩu của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cũng như các ngành đảm bảo năng lượng. Đặc biệt năng lượng điện tăng khá cao thời gian qua. Các ngành dịch vụ khôi phục, nhiều ngành đã vượt qua quy mô của năm 2019", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, nhấn mạnh.
Tăng trưởng chỉ có ý nghĩa nếu đó là sự phục hồi toàn diện, nhất là các ngành kinh tế quan trọng. Đây là nền tảng để kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Quốc tế tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Các hoạt động sản xuất kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả, đã đưa Việt Nam thành nền kinh tế có dự báo tăng trưởng GDP tích cực nhất châu Á.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay được dự báo tăng 7,2%. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, thông tin vừa được Ngân hàng Thế giới công bố. Đáng chú ý, Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh đến cụm từ "tăng trưởng phi thường" đối với Việt Nam.
"Kết quả tăng trưởng GDP quý 3 ở mức khoảng 13,7% của Việt Nam phù hợp với dự báo của Ngân hàng Thế giới trong bản cập nhật kinh tế khu vực mới nhất và khẳng định rằng Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện khá tốt công việc quản lý tỷ giá hối đoái và quản lý tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ thời gian qua. Việt Nam đã ra giới hạn tăng trưởng tín dụng như một công cụ quan trọng để quản lý nền kinh tế và quản lý lạm phát", ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá.
"Theo tôi, Chính phủ Việt Nam đang mạnh tay đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới. Xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong vòng 5, 6 tháng tới. Sự gia tăng ngày càng đông đảo tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ thấy Việt Nam là nước thu hút FDI rất mạnh. 4 yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, bất chấp những biến động của kinh tế thế giới", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho hay.
Tính chung trên toàn cầu, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mạnh lãi suất đồng USD, đã có 257 lượt tăng lãi suất tại 90 quốc gia. Hàng loạt các đồng tiền trong khu vực châu Á đã mất giá mạnh, nhưng biến động của tỷ giá Việt Nam chỉ quanh mức 4% là mức rất thấp.
9 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đã đạt 15,4 tỷ USD, tăng tới 16,3% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Đáng chú ý, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy vào những lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như điện tử, linh kiện điện thoại, thay vì chỉ tập trung vào những lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động như dệt may trước đây.
"Những yếu tố tác động tiêu cực tới đà tăng của kinh tế Việt Nam chủ yếu từ bên ngoài chứ các yếu tố nội tại của nền kinh tế rất tích cực. Các nhà đầu tư rất hứng thú với viễn cảnh kinh tế Việt Nam, với dự báo tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay và bình quân 6% kéo dài trong 10 - 20 năm tới. Điều này rất hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài", ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital, nhận xét.
"Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ dòng đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài. Tôi tin xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm tới. Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ vẫn rất mạnh mẽ, là 1 trong những điểm đến chính của dòng đầu tư trên toàn cầu. Khi các doanh nghiệp của chúng tôi bàn thảo về đầu tư, ai cũng nhắc đến Việt Nam. Điều này khác hẳn cách đây 10 năm", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham, nhận định.
Theo Tổng cục Thống kê, gần 84% doanh nghiệp tư nhân và gần 81% doanh nghiệp FDI dự báo, tình hình kinh doanh trong quý 4 tốt hơn và ổn định hơn so với quý 3. Điều này cũng mở ra khả năng, dự báo tăng trưởng kinh tế quý 4 ở mức 6,5% được nhiều tổ chức đưa ra trước đó, có thể sẽ sớm được điều chỉnh tăng lên.
GDP tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, bội thu ngân sách, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD... là những điểm nhấn của nền kinh tế 9 tháng đầu năm.