Kinh tế 8 tháng nhiều khởi sắc

Chia sẻ Facebook
01/09/2022 20:08:16

8 tháng vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng trên nhiều lĩnh vực.


Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.


8 tháng qua, trên 101.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 31% so với cùng kỳ, và gần 48.130 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm nay cũng đánh dấu mức tăng ấn tượng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 10%.

Về tình hình xuất, nhập khẩu, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 497 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa trong 8 tháng ước tính xuất siêu gần 4 tỷ USD.


Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng

8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 497 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Nếu lưu lượng hàng hóa qua cảng cạn Long Biên chững lại vào năm 2021, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,1 tỷ USD, thì chỉ 8 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt 2 tỷ USD. Điều này cho thấy lưu lượng hàng hóa qua cảng đã sôi động và tăng mạnh trở lại.


"Kim ngạch đạt 2 tỷ USD, tương đương tăng 51% so với cùng kỳ. Số thu ngân sách đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, sản lượng hàng hóa những tháng cuối năm tiếp tục tăng cao", ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Hateco Logistics, cho biết.

Ngay khi nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa... do tình hình lạm phát gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài và yêu cầu các thương vụ cần phát huy vai trò vị trí tiền tuyến, mở rộng thị trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; ngoài phát triển các thị trường truyền thống, cần khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD trong 8 tháng của năm 2022 là nỗ lực lớn, trong đó có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Với đà này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD.


Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đã có gần 100.000 tỷ đồng giãn, giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp được thực hiện, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, thu ngân sách đạt kết quả tốt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, năng lượng quốc gia phục vụ sản xuất ổn định.


Thu ngân sách 8 tháng qua tăng tới 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây không chỉ là kết quả điều hành linh hoạt chính sách tài khóa với tiền tệ được Chính phủ kiên trì chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm, mà còn là thành quả của việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 15 của Chính phủ về miễn, giảm thuế.

Sự hỗ trợ kịp thời này đã tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên và thực hiện an sinh xã hội. Các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia trong giới hạn cho phép", ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính, đánh giá.

Điện được cung ứng ổn định và Chính phủ chỉ đạo không tăng giá. Các chính sách quyết liệt của Chính phủ để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu ổn định và giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đã giữ giá xăng dầu thấp hơn mặt bằng chung của thế giới.

"Giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, ngành đóng góp 74% giá trị tăng thêm cho nền kinh tế", bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, cho hay.

Với các chính sách quyết liệt để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu ổn định và giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đã giữ giá xăng dầu thấp hơn mặt bằng chung của thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)


"Mặc dù bị tác động lớn bởi giá xăng dầu và nguyên, vật liệu gia tăng, nhưng vẫn đảm bảo ở mức dưới 3% trong 8 tháng qua. Tỷ giá và lãi suất tương đối ổn định. Một số cân đối lớn của nền kinh tế vẫn bền vững", TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhận định.

Thể chế được cải thiện, thủ tục hành chính được cắt giảm đã tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Điều đó đã kích thích đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt, sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đã tạo sức bật cho nền kinh tế.

"Các doanh nghiệp trong nước đã nhìn thấy cơ hội hồi phục và tăng trưởng tốt của nền kinh tế và họ sẵn sàng đầu tư vào", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho hay.

Đó là những gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng qua, nhưng thách thức còn rất lớn ở phía trước.

Chính phủ kiên định chủ trương tập trung thực hiện "4 ổn định" trong những tháng tới đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.


Chính sách phản ứng kịp thời linh hoạt và hiệu quả cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao với nhiều tín hiệu vui khi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, Apple, mới đây nhất là Boeing, đều đã có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Những tín hiệu kinh tế khởi sắc tiếp tục được thể hiện tại các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa... trong khi lạm phát và CPI được kiểm soát.

Chia sẻ Facebook