Kinh tế 3 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng

Chia sẻ Facebook
09/04/2022 09:56:42

Sau nhiều năm chống chịu với đại dịch, ngay quý đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, khởi sắc ở hầu hết lĩnh vực, tạo sức bật cho những tháng còn lại. Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới cao kỷ lục, nhu cầu vốn "tăng tốc". Đáng chú ý, việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, sai phạm trong phát hành trái phiếu... cũng đem lại lợi ích lâu dài cho thị trường.

Tăng trưởng GDP quý 1 năm nay đạt mức cao nhất trong cùng kỳ 3 năm qua, sau khoảng khoảng thời gian dài nền kinh tế “vượt dịch”. Áp lực lạm phát, căng thẳng nhiều nơi trên thế giới... gây áp lực tới mục tiêu GDP, song theo các chuyên gia, dư địa tăng trưởng những tháng còn lại vẫn khá lớn. Trong bối cảnh kinh tế quý 1 phục hồi mạnh mẽ, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 đến 6,5% được đánh giá là khả thi.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) phân tích động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ đến từ các ngành thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo) do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục; bán buôn, bán lẻ; vận tải; lưu trú, ăn uống và đặc biệt là vui chơi, giải trí… Bên cạnh đó, kỳ vọng về hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước; từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Ba tháng đầu năm, hơn 34.600 DN thành lập mới, tăng 18% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong quý I/2022, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua (4,42 tỷ USD). Loạt văn kiện hợp tác quan trọng trị giá hàng tỷ USD vừa được ký kết cùng các cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hết quý I/2022, tình hình phân bổ, triển khai kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương đã đạt 90% so với số vốn Thủ tướng giao. Ngay những tháng đầu năm 2022, đã có nhiều đơn vị thi công cao tốc Bắc- Nam phía Đông đăng ký rút ngắn tiến độ. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị đạt tỷ lệ phân bổ thấp, chưa tới 10%.


Việt Linh

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook