Kinh nguyệt có màu đỏ, đen, hồng, xám… loại nào là bất thường, loại nào là bình thường?
Mỗi khi "bà dì" ghé thăm, các chị em nên quan sát những điều dưới đây để phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh phụ khoa từ sớm.
Chu kỳ kinh nguyệt là yếu tố sinh lý quan trọng mà bất kỳ cô nàng nào cũng sẽ gặp phải hàng tháng. Trong thời kỳ này, cơ thể tống xuất mô niêm mạc và máu từ tử cung qua âm đạo. Dịch máu này có thể thay đổi từ màu đỏ tươi đến màu nâu sẫm hoặc đen tùy thuộc vào thời gian nó nằm trong buồng tử cung bao lâu. Máu lưu lại lâu trong buồng tử cung sẽ có thời gian oxy hóa nên càng tích tụ lâu thì màu càng sẫm hơn. Sự thay đổi của nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến màu của máu kinh.
Thông qua màu sắc kinh nguyệt, các chị em có thể nhận biết được những vấn đề sức khỏe đang tiềm ẩn trong cơ thể mình. Theo thông tin chia sẻ từ Bác sĩ Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng lâm sàng IVF Hồng Ngọc, bạn nên lưu ý tới một số dấu hiệu lạ xuất hiện trong kỳ kinh nguyệt của mình.
Kinh nguyệt có màu đen
Bạn có thể hoảng hốt khi thấy máu kinh nguyệt có màu đen nhưng đây không hẳn là lý do để lo lắng. Máu đen có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối kỳ kinh của một người. Màu đen là dấu hiệu của máu cũ hoặc máu đã mất nhiều thời gian hơn để ra khỏi tử cung. Qua quá trình oxy hóa, máu đầu tiên chuyển sang màu nâu hoặc đỏ sẫm và sau đó trở thành màu đen.
Máu đen đôi khi cũng có thể chỉ ra sự tắc nghẽn trên đường ra từ tử cung hoặc bên trong âm đạo. Máu đọng lại ở buồng tử cung, mất thời gian hơn để ra đến âm đạo như dính buồng tử cung, chít hẹp eo tử cung, khuyết sẹo mổ lấy thai…
Tuy nhiên, nếu tình trạng máu kinh nguyệt có màu đen kéo dài khoảng 7 ngày thì chị em cần phải lưu ý và đi khám ngay. Nguyên nhân có thể kể đến là rối loạn nội tiết, bệnh phụ khoa hoặc do cấu tạo tử cung gập…
Kinh nguyệt có màu nâu hoặc đỏ sẫm
Cũng giống như máu đen, màu nâu hoặc đỏ sẫm là dấu hiệu của máu cũ, có thể xuất hiện vào đầu hoặc cuối kỳ kinh.
Kinh nguyệt có màu đỏ tươi
Kỳ kinh có thể bắt đầu với máu màu đỏ tươi và đậm dần vào cuối kỳ kinh. Một số người còn thấy máu của họ vẫn có màu đỏ tươi trong suốt kỳ kinh nguyệt.
Ra máu đỏ tươi hoặc ra máu bất thường vào giữa các chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu. Các bất thường phát triển trong niêm mạc tử cung như polyp hoặc u xơ, cũng có thể gây chảy máu nhiều.
Trong một số ít trường hợp chảy máu màu đỏ tươi có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, polyp cổ tử cung.
Kinh nguyệt có màu hồng
Máu màu hồng có thể xảy ra khi máu kinh trộn với dịch cổ tử cung.
Việc sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố có thể làm giảm mức độ estrogen trong cơ thể, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra ít hơn với màu hơi hồng.
Quan hệ tình dục có thể tạo ra những vết rạn nhỏ trong âm đạo hoặc cổ tử cung. Máu từ những vết rạn này có thể trộn với dịch âm đạo và thoát ra ngoài cơ thể người bệnh dưới dạng tiết dịch màu hồng.
Các nguyên nhân khác gây ra máu kinh màu hồng có thể bao gồm thiếu dinh dưỡng, thiếu máu. Ngoài ra, máu kinh nguyệt màu hồng có thể do giảm cân nhanh đột ngột, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu máu (thiếu sắt)…
Kinh nguyệt có màu cam
Máu trộn với dịch cổ tử cung cũng có thể có màu cam.
Máu màu cam hoặc tiết dịch âm đạo màu cam thường là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng roi trichomonas. Trong trường hợp này thì bạn nên đi thăm khám bác sĩ phụ khoa.
Kinh nguyệt có màu xám
Tiết dịch màu xám thường là dấu hiệu của bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn, một tình trạng xảy ra do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong âm đạo.
Các triệu chứng khác của viêm âm đạo do vi khuẩn bao gồm ngứa vùng âm hộ, mùi hôi vùng âm đạo, dịch âm đạo có mùi tanh, tiểu buốt, rát… Trong trường hợp này, bạn cũng nên đi thăm khám bác sĩ phụ khoa.
Kinh nguyệt ra cục máu đông
Máu kinh nguyệt của người khỏe mạnh chứa các mảnh niêm mạc tử cung có thể nhìn thấy được. Những mảnh mô nhỏ hoặc cục máu đông này không phải là điều đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu bạn chảy máu nhiều hoặc thành cục lớn thì nó có thể là dấu hiệu băng kinh hoặc rong kinh.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu có một trong các dấu hiệu sau: chảy máu nhiều đến mức cần thay băng vệ sinh hoặc miếng lót sau mỗi 2 tiếng hoặc ngắn hơn, cục máu đông to bằng đầu ngón tay hoặc hơn.
Kinh nguyệt chính là một tấm gương phản chiếu sức khỏe sinh sản của các chị em phụ nữ. Vì vậy, chị em đừng lơ là mà nên bỏ chút thời gian để quan sát xem màu sắc kinh nguyệt của mình có gì bất thường không nhé! Nếu trường hợp kinh nguyệt có màu sắc khác thường, chị em cần đi thăm khám để nhận được sự tư vấn của bác sĩ, từ đó có hướng điều trị kịp thời.