Kinh nghiệm làm tủ bếp gỗ công nghiệp

Chia sẻ Facebook
28/07/2022 14:00:08

Hiện nay, các loại gỗ công nghiệp đang được ưa chuộng sử dụng trong nội thất nói chung và nội thất bếp nói riêng bởi sự phong phú, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Các loại gỗ công nghiệp vừa thi công nhanh vừa tạo hình nhiều phong cách.

Sau đây là kinh nghiệm làm tủ bếp gỗ công nghiệp được chia sẻ từ chuyên gia Viet Home Decor, sau gần 10 năm làm trong ngành thiết kế, thi công nội thất.


Các loại cốt gỗ công nghiệp làm tủ bếp

Gỗ công nghiệp bao gồm cốt gỗ và bề mặt phủ bên ngoài. Cốt gỗ công nghiệp là phần lõi bên trong và bề mặt phủ bên ngoài là tạo thẩm mỹ.

Trên thị trường có những loại gỗ công nghiệp chính gồm MFC, MDF, HDF, Plywood, gỗ nhựa khi thi công nội thất. Chúng ta cùng tìm hiểu từng loại gỗ chi tiết sau đây.

MFC là tên viết tắt của Melamine Faced Chipboard. MFC loại ván gỗ dăm được hoàn thiện bề mặt bằng cách phủ Melamine. MFC được sản xuất từ gỗ rừng trồng. Có những cây gỗ được trồng chuyên để sản xuất loại gỗ MFC như keo, bạch đàn, cao su… Các cây này được thu hoạch ngắn ngày, không cần cây to. Người ta băm nhỏ cây gỗ thành các dăm gỗ, kết hợp với keo, ép tạo độ dày. Bề mặt hoàn thiện trên ván dăm có thể sử dụng PVC tráng lên hoặc giấy in vân gỗ tạo vẻ vẻ đẹp sau đó tráng bề mặt hoàn thiện bảo vệ để chống ẩm và trầy xước. Có MFC thường và MFC chống ẩm.

MDF được sản xuất bằng cách sử dụng các loại gỗ tự nhiên ngắn ngày, xay mịn, ép chặt dưới áp suất cao. Đặc điểm nổi trội của MDF là độ bền cao, bề mặt nhẵn, ít cong vênh và khả năng chống mối mọt tốt. MDF có độ bền rất cao so với các loại gỗ công nghiệp. MDF có loại MDF cốt vàng và cốt xanh. Cốt xanh là loại chống ẩm.

HDF được sản xuất tương tự MDF song được sản xuất ở áp lực cao nên xong rất cứng và nặng, khả năng chịu lực tốt nên thường được ứng dụng dùng trong sàn gỗ hơn. Giá thành cao hơn MDF.

Plywood còn gọi là ván ép được ép từ những miếng gỗ tự nhiên lạng mỏng 1mm và ép ngang thớ với nhau, các lớp gỗ lạng mỏng được kết dính với nhau bằng keo và áp lực để tăng tính chịu lực cho sản phẩm. Gỗ này có khả năng chiu lực tốt hơn MDF và MFC. Dòng gỗ này thường đi cùng với veneer (phủ verneer lên bề mặt) để tạo vẻ đẹp rồi sơn phủ PU lên để bảo vệ bề mặt chống trầy xước và chống ẩm.

Gỗ nhựa: Là một loại vật liệu mới xuất hiện trên thị trường, tính ứng dụng cao nhờ khả năng chống nước, chống ẩm tuyệt đối, chống cháy và cách nhiệt cao. Giá thành cao.


Xét về yếu tố cấu tạo, tính ứng dụng trong thi công nội thất tủ bếp, thi công nội thất văn phòng hay thi công nội thất nói chung và theo thực tế kinh nghiệm thi công của các kiến trúc sư. MDF lõi xanh chống ẩm là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu với thi công tủ bếp, về độ bám vít, chịu lực, chống ẩm cũng như giá thành thi công.

Gỗ nhựa với nhiều ưu điểm vượt trội, đúng tiêu chí bền đẹp, công năng tốt nhưng sẽ đòi hỏi mức chi phí cao hơn. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, khoang chậu rửa bạn có thể sử dụng thùng gỗ nhựa, còn lại sử dụng gỗ MDF là đã đảm bảo rồi.

Tuy nhiên, nếu bếp để ở tầng 1 hoặc không gian dễ bị ẩm thì nên sử dụng gỗ nhựa để đảm bảo độ bền.


Các loại vật liệu trang trí bề mặt

Các loại vật liệu trang trí bề mặt phổ biến để có tủ bếp đẹp hiện nay gồm: Melamine, Laminate, Acrylic, verneer, sơn.

Melamine: Đa dạng về màu sắc, đẹp có khả năng chống va đập, trầy xước cao, dễ vệ sinh. Giá thành tốt

Laminate: Màu sắc đa dạng tương tự Melamine, nhưng lớp phủ dày hơn, chống va đập, trầy xước. Giá thành cao

Acrylic: Bảng màu phong phú, nhiều màu đơn sắc, bề mặt sáng, bóng gương dễ lau chùi nhưng dễ xước nên cần lưu ý khi vệ sinh. Giá thành cao.

Tủ bếp phong cách hiện đại, thùng tủ gỗ nhựa, mặt cánh MDF phủ Laminate

Veneer: Gỗ thịt lạng mỏng dán lên cốt gỗ, bề mặt veneer hoàn thiện bằng sơn PU. Sản phẩm cuối cùng giống gỗ tự nhiên nhất. Giá thành cao.

Tùy theo mức đầu tư, quý khách có thể lựa chọn bề mặt phủ cho phù hợp với không gian bếp gia đình.

Với mức đầu tư trung bình và cao, bạn có thể lựa chọn bề mặt phủ Laminate hoặc Veneer với thẩm mỹ đẹp và 1 lớp bảo vệ tốt. Bề mặt phủ Acrylic dành cho các công trình có sự đầu tư cao, và dành cho các gia chủ yêu thích bề mặt sáng, bóng gương. Tuy nhiên bạn cần lưu ý là bề mặt này dễ xước nên cần có sự cân nhắc khi lựa chọn. Mức giá mềm hơn rất nhiều đó là phủ Melamine với khá đa dạng sự lựa chọn.


Phong thủy phòng bếp

Bếp là nơi vượng hỏa, do đó khi sắp xếp các thiết bị trong nhà bếp cần phân bố từng khu vực theo tính chất về Thủy, Hỏa phù hợp.

Ví dụ như: Tủ lạnh, chậu rửa, vòi rửa, máy rửa bát, máy lọc nước về một khu vực đảm bảo cách xa bếp nấu ít nhất từ 0,6-0,8m. Thứ tự sắp xếp khuyên dùng nên là Tủ lạnh => Chậu rửa => Bếp: đảm bảo sự tiện dụng trong quá trình sử dụng cũng như sắp xếp về mặt phong thủy.

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về kích thước tiêu chuẩn của tủ bếp, các kiểu dáng tủ bếp phổ biến và các loại phụ kiện thường dùng cho tủ bếp để giúp bạn có một không gian bếp tiện nghi trong bài viết tiếp theo.


Ánh Dương

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook