Kinh nghiệm giữ giá tiêu dùng tăng thấp tại Trung Quốc
Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc không khó để đạt mục tiêu CPI năm 2022 tăng 3%.
Tại Trung Quốc , dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng đầu năm có chiều hướng tăng, nhưng nhìn chung CPI của Trung Quốc tăng thấp hàng đầu trong số các nền kinh tế lớn. Không chỉ giảm bớt áp lực đời sống cho dân số khổng lồ mà việc giữ cho chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp cũng giúp Chính phủ nước này triển khai nhiều chính sách vĩ mô phù hợp.
4 tháng đầu năm chỉ số CPI của Trung Quốc tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng nhìn chung phần lớn giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng không đáng kể. Giá bán sỉ thịt lợn hiện tại là 20,67 Nhân dân tệ (hơn 72.300 đồng/kg), thấp hơn 15,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao chủ yếu là mặt hàng xăng dầu và rau cải.
Dự trữ chiến lược quốc gia các mặt hàng chiến lược như ngũ cốc, thịt lợn, xăng dầu được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng để điều tiết kịp thời khi xảy ra biến động. Trung Quốc cũng được đánh giá cao về hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa. Đó là lý do mà mỗi khi nước phong tỏa cả thành phố hàng chục triệu dân như Thượng Hải về cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm thiết yếu với giá cả không biến động đáng kể.
Những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ về miễn giảm thuế hàng trăm tỷ USD cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phục hồi sản xuất, bình ổn giá nguyên liệu đầu vào quan trọng như than, điện, sắt, thép cũng giúp cho chỉ số giá sản xuất hàng hóa tại nhà máy PPI tăng thấp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc không khó để đạt mục tiêu CPI năm 2022 tăng 3%. Tại Trung Quốc, hệ thống chợ, siêu thị tổ chức hợp lý, thương mại điện tử phát triển rộng khắp nên hàng hóa ít qua trung gian. Điều này góp phần giúp cho giá cả được giữ trong phạm vi hợp lý.
Các đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đến vào một thời điểm tồi tệ đối với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).