Kinh nghiệm chọn người tư vấn hướng nghiệp
Chuyên gia tuyển dụng đưa ra bốn gợi ý giúp phụ huynh và học sinh chọn người tư vấn hướng nghiệp chính xác.
Chị Nguyễn Thái Hà có nhiều năm kinh nghiệm trong phỏng vấn, tuyển dụng nhân sự tại một tập đoàn về giáo dục. Chị hiện là Giám đốc dịch vụ tuyển dụng của một công ty chuyên về tư vấn quản trị doanh nghiệp ở Hà Nội và có kênh Tiktok về nội dung hướng nghiệp với 32 triệu lượt xem. Bốn lưu ý dưới đây của chị giúp phụ huynh và học sinh có cơ sở để quyết định chọn người tư vấn hướng nghiệp.
1. Người giúp bạn tư duy tích cực và cầu tiến
Tư duy tích cực là tập trung cảm xúc và tinh thần vào những điều tốt đẹp. Người có tư duy tích cực luôn chờ mong và hy vọng vào những kết quả có lợi. Tư duy chỉ huy hành động, vì thế nếu tâm trí bạn toàn những điều tiêu cực, lo lắng hay hoang mang, hành động và lời nói của bạn khó đúng đắn và khó dẫn tới kết quả tươi sáng.
2. Phải tư vấn trên cơ sở dữ liệu xác thực và uy tín
Một thực trạng hướng nghiệp không hiếm gặp ở Việt Nam là nếu thấy sinh viên học ngành A hoặc tốt nghiệp từ trường B mà không tìm được việc làm, người tư vấn sẽ đánh giá ngành đó thiếu tiềm năng hay trường không uy tín. Tuy nhiên, đây tư duy "thấy cây mà không thấy rừng". Một người có tìm kiếm được việc làm phù hợp hay không là kết quả phấn đấu của cả một quá trình học tập và trưởng thành; và là sự phối hợp giữa tư duy - thể chất - đạo đức. Bạn bắt đầu đi làm năm 22 tuổi, trong khi đó đại học chỉ kéo dài bốn năm, vậy cớ sao lại chỉ ràng buộc trách nhiệm lên bốn năm đó?
Hàng năm đều có báo cáo thị trường lao động và xu hướng tuyển dụng của các đơn vị uy tín như Vietnamworks, TopCV... dựa trên khảo sát quy mô hàng trăm, hàng nghìn công ty. Bên cạnh đó còn có báo cáo kết quả việc làm sau tốt nghiệp của các trường đại học, tổ chức nhà nước. Đó mới là các cơ sở dữ liệu xác thực để đưa ra nhận định về một ngành nghề, từ đó hỗ trợ bạn ra quyết định đúng đắn.
3. Người tư vấn phải giúp bạn hiểu bản thân
Không lời khuyên hướng nghiệp cụ thể nào có thể áp dụng chính xác cho mọi người. Nhiều ứng viên vẫn đang lựa chọn ngành nghề trên các kết quả kỳ vọng, như lương cao, ngành hot, công việc ổn định... nhưng thực tế, bạn phải đưa ra quyết định từ các yếu tố gốc rễ như sở thích, ước mơ, năng lực học tập, các giá trị mà chúng ta coi trọng trong đời sống, cá tính...
Ví dụ, nghề kế toán từng có thời gian rất được ưa chuộng vì nhiều người cho rằng làm nghề này sẽ có "màu mè". Tư duy đó khiến không ít người lao vào học, ngay cả khi không ưa thích và không giỏi làm việc với số liệu. Hệ quả là bây giờ, bản thân người học và công ty của họ phải gánh chịu. Người học thấy lãng phí thanh xuân làm công việc mình không thích và không giỏi, còn công ty không muốn có một nhân sự thiếu đam mê nghề nghiệp.
4. Có trách nhiệm với các định hướng
Khi có ý định nghe theo một lời khuyên, bạn hãy dừng lại khoảng vài giây để tự hỏi: người chịu trách nhiệm cho quyết định này là ai? Là người đưa ra lời khuyên đó hay chính bản thân bạn? "Thinking in bets" là lối tư duy tôi rất thích. Khái niệm này mô tả việc nếu chỉ nghĩ sơ sơ về vấn đề gì đó, bạn có xu hướng đưa ra kết luận thái quá về nó.
"Thinking in bets" là cách ép bạn suy nghĩ sâu về một vấn đề bằng cách đặt nó dưới lăng kính thực tế. Thay vì nghĩ chung chung "điều A chắc chắn đúng" hay "điều A chắc chắn sai", bạn sẽ nghĩ: "Nếu phải đặt cược X tiền vào điều A là đúng/sai, mình có dám đặt không?". Hãy mạnh dạn hỏi ngược lại câu này với người đưa ra lời khuyên hướng nghiệp cho mình, bạn sẽ loại bỏ được những lời tư vấn thiếu giá trị.
Bản chất của lời khuyên là đưa ra thêm một màng lọc để chúng ta ra quyết định. Với những quyết định quan trọng như chọn ngành nghề, nếu bạn chọn sai thì hệ quả có thể rất nghiêm trọng, giống như đi lạc đường vậy.
Nguyễn Thái Hà