Kinh hoàng 100 con rận mu làm tổ trên mi mắt người đàn ông

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 16:11:17

Ngứa mắt nhiều điều trị nhưng không khỏi, đi khám chuyên khoa được soi mắt dưới kính hiển vi, bệnh nhân “ngã ngồi” khi có hàng trăm ký sinh trùng rận mu cư ngụ.

Ngứa mắt do nhiều nguyên nhân như: Viêm bờ mi, do ký sinh trùng, do nấm hoặc do viêm kết mạc dị ứng nhưng ngứa mắt do ký sinh trùng rận mu rất hiếm.

Trường hợp hiếm gặp này rơi vào nam bệnh nhân 55 tuổi có địa chỉ tại Hà Giang.

Bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám với lý do ngứa mắt nhiều, đã khám và nhỏ thuốc tại một số bệnh viện gần nhà nhưng không khỏi.

Đến khám chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân được kiểm tra mắt bệnh nhân dưới kính sinh hiển vi thì "tá hỏa" vì có hàng trăm ký sinh trùng và trứng ký sinh trên mi mắt bệnh nhân.

Bác sỹ đã tiến hành gây tê tại chỗ và lấy ra gần 100 ký sinh trùng rận mu và hơn 100 trứng ký sinh.

Theo lời bệnh nhân, gia đình có nuôi gia cầm và gia súc phía dưới sàn nhà và có thể đó là nguyên nhân khiến ông bị nhiễm ký sinh trùng rận mu trên mắt.

Qua trường hợp này các bác sĩ chuyên khoa Mắt BVĐK Hùng Vương khuyến cáo tới người dân, nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể và nhà ở vì ký sinh trùng có thể sinh sống và trú ngụ ở mọi nơi, có thể sống ký sinh trên cơ thể con người.

Theo Bs Trần Văn Dũng, Viện sốt rét ký sinh trùng, côn trùng TP Hồ Chí Minh, rận mu hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, cháy cua, rận bẹn.

Bệnh rận mu do loài rận có tên khoa học là Pthirus pubis gây ra. Chúng là một loài rận, có 6 chân, có khớp ở chân, thuộc nhóm côn trùng hút máu không có cánh. Chúng được biết là loài ký sinh duy nhất chỉ có ở người. Theo các kết quả nghiên cứu về di truyền, chúng đã gây bệnh ở người hơn 3 triệu năm qua.

Chúng sống và sinh sản chủ yếu là bộ phận nhạy cảm ở con người: vùng da lông mu. Tuy nhiên, có thể bắt gặp chúng ở bất cứ nơi nào có lông tóc trên cơ thể người. Đã từng có ghi nhận bắt gặp chúng ở tóc, lông mi, ria, râu, lông nách, lông bụng, lông hậu môn, kể cả lông tay và lông chân.

Tỉ lệ mắc bệnh trong dân số trên thế giới khoảng 2%. Gần đây, tỉ lệ ở mắc bệnh ở phương Tây, Mỹ hiếm gặp, chủ yếu do phong trào tẩy lông vùng kín.

Trong thời gian gần đây, bệnh xuất hiện trở lại ở Việt Nam. Chủ yếu do các nhóm người nhập cư và vùng khu ổ chuột, khu vực kinh tế thấp. Việt Nam đang trải qua giai đoạn mới về nhận thức tình dục.

Việc hoạt động tình dục đã trở nên thoáng hơn trong ý thức hệ người trẻ. Tuy nhiên, do không được trang bị kiến thức về quan hệ tình dục nên việc lây lan bệnh đang tăng trở lại.

Mặc dù có thể được tìm thấy ở bất cứ bộ phận nào có lông tuy nhiên chúng thường gây bệnh tại vùng mu và hậu môn. Đặc biệt, chúng thường được tìm thấy chủ yếu ở nam giới. Lông nam giới thường dày hơn, rậm rạp hơn và cứng hơn. Ở trẻ em, rận mu thường được tìm thấy ở mi mắt.

Hình ảnh mi mắt của nam bệnh nhân với rất nhiều ký sinh trùng rận mu làm tổ

Hiện tại, chưa có ghi nhận rận mu lây truyền bất kỳ bệnh gì. Điều chúng gây khó chịu chính là ngứa. Nguyên nhân: khi hút máu, nước bọt của rận gây dị ứng.

Nước bọt của rận khiến cho máu không đông (như bất kỳ loài côn trùng hút máu nào khác). Nước bọt truyền vào máu vật chủ, gây triệu chứng ngứa. Ngứa xảy ra khoảng < 2 tuần sau khi nhiễm bệnh.

Ngứa có thể từ nhẹ cho đến ngứa dữ dội. Khi gãi do ngứa sẽ tạo nên những vết xướt trên da. Vi khuẩn trên móng tay và vùng da gây nhiễm trùng thứ phát và viêm loét. Nếu ở lông mi, phân và nước bọt của rận có thể đưa tới viêm kết mạc và viêm giác mạc. Ngứa làm bệnh nhân khó chịu, mất ngủ.

Hành động gãi ngứa khiến cho bệnh nhân ức chế về tâm thần. Việc gãi vùng bệnh (bẹn, hậu môn) trong điều kiện sinh hoạt nơi đông người làm bệnh nhân xấu hổ. Cơn ngứa dữ dội đến mức không thể kiềm chế được việc gãi.

Sẩn đỏ và ngứa là triệu chứng phổ biến nhất. Ngứa càng tồi tệ về đêm. Đêm là lúc rận mu hoạt động mạnh để hút máu. Vết thâm, trầy xước, vết nhiễm trùng da cũng thường thấy ở bệnh nhân.

Những vùng có lông khác trên cơ thể cũng có thể tìm thấy trứng.

Thỉnh thoảng, chúng ta có thể phát hiện rận ở phần đầu của trẻ. Đó là dấu hiệu chứng tỏ trẻ có khả năng bị lạm dụng.

Người nhiễm rận mu cũng cần chẩn đoán liên quan các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Quá trình nhiễm rận mu được truyền trực tiếp từ người sang người. Thường là do việc áp sát bộ phận lông lúc quan hệ tình dục. Đôi khi chỉ tình cờ tiếp xúc lông, tóc hay râu, ria, hiếm hơn là dung chung đồ lót, hay khăn, quần áo. Ít gặp nhất là ngủ chung chăn gối với người nhiễm.

Nguyên nhân là do rận ít di chuyển, thường bám chắc vào lông. Khi lông rơi ra, rận có thể di chuyển xuống drap giường, gối. Trứng rận có thể bị rớt ra và bám lên người lành, sau đó trứng nở ra và rận hút máu.

Các chuyên gia cũng lưu ý, bằng những cách sau, bệnh có thể được kiểm soát: Mỗi người có đồ dùng vệ sinh cá nhân riêng. Không dùng chung quần áo, giường hay khăn với người khác; Quan hệ tình dục với ít đối tác; Tránh quan hệ tình dục cho đến khi chắc chắn bạn đã được điều trị thành công; Thông báo cho các đối tác tình dục để cùng được điều trị.


N. Huyền

Chia sẻ Facebook