Kinh doanh lao dốc ở nhiều mảng, Tập đoàn FLC lỗ hơn 1.890 tỷ đồng sau 9 tháng
Sau 9 tháng đầu năm, Tập đoàn FLC ghi nhận sự sụt giảm cả trong doanh thu và lợi nhuận. Riêng quý 3/2022, FLC báo lỗ sau thuế 785 tỷ đồng.
Trong quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh kể từ khi các lãnh đạo Tập đoàn bị bắt, FLC liên tục cho thấy sự sụt giảm trong doanh thu và lợi nhuận. Quý 3/2022, tập đoàn này báo lỗ sau thuế 785 tỷ đồng, trong đó doanh thu tài chính giảm hơn 15 lần so với cùng kỳ, cùng hàng loạt chi phí của doanh nghiệp tăng vọt.
Theo báo cáo hợp nhất vừa công bố, doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC giảm 70% so với cùng kỳ, xuống 430 tỷ đồng trong quý 3. Công ty rơi vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi lợi nhuận gộp âm hơn 96 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của FLC cũng giảm hơn 15 lần so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 18 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt lên hơn 105 tỷ đồng và 266 tỷ đồng (tương ứng tăng 58% và 146%) so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tập đoàn FLC lỗ hơn 1.890 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 70 tỷ đồng.
FLC cho biết doanh thu giảm mạnh bởi tình hình chung của thị trường bất động sản, chính sách tín dụng dành cho chủ đầu tư. Đồng thời, FLC cũng đang trong quá trình tái cấu trúc lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt, các mảng kinh doanh chính của tập đoàn.
“Chi phí tài chính tăng 58% do ảnh hưởng quá trình tái cơ cấu khoản vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do tăng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu quá hạn” , FLC giải thích trong báo cáo.
Lợi nhuận của FLC giảm mạnh cũng do gánh khoản lỗ tăng từ mảng đầu tư hàng không, khách sạn.
So với đầu năm, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của FLC tăng hơn 56% lên khoảng 3.190 tỷ đồng, còn vay nợ dài hạn giảm với tỷ lệ tương đương, xuống còn hơn 1.820 tỷ đồng.
Cấu trúc tài sản đáng chú ý với các khoản phải thu đã chiếm đến 15.720 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn hơn 8.700 tỷ đồng .
Tập đoàn FLC sở hữu Bamboo Airway với tỷ lệ sở hữu 21,7%, hãng hàng không này khiến FLC gánh lỗ 1.269 tỷ đồng sau 3 quý/2022. Một đơn vị khác là công ty Thương mại và Nhân lực quốc tế do FLC sở hữu 47% vốn, ghi nhận lỗ gần 4 tỷ đồng cho tập đoàn.
Ngoài ra, FLC cũng công bố thông tin khác liên quan đến việc bị ngân hàng siết nợ và thanh lý tài sản gồm 1 ôtô Roll Royce 30F-18788 và 1 ôtô Roll Royce 30E-13388 và 1 du thuyền FLC Albatross đăng ký năm 2014.
Tập đoàn FLC đã ký hợp đồng vào hôm 20/10 về việc chuyển nhượng công trình xây dựng trên đất tại địa chỉ 265 Cầu Giấy, Hà Nội (tòa trụ sở FLC Twin Towers) cho Công ty cổ phần Gateway Hà Nội.
Thực tế các báo cáo tài chính gần đây là do doanh nghiệp tự lập, chưa có soát xét hay kiểm toán. FLC cam kết nộp báo cáo kiểm toán năm 2021 vào cuối tháng 10 nhưng đến nay vẫn chưa công bố.
Ngày 4/11, FLC sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức phiên họp thường niên 2022. Cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn bị đình chỉ giao dịch từ đầu tháng 9 vì chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.
Đức Minh
Tập đoàn FLC bán tòa nhà trụ sở ở Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng Tập đoàn FLC vừa ký hợp đồng bán lại tòa nhà trụ sở ở 265 đường Cầu Giấy, Hà Nội cho Công ty Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ đồng.