Kinh doanh bưu cục nhượng quyền nở rộ tại nhiều địa phương
Thói quen mua sắm online của thế hệ GenZ và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã thúc đẩy mô hình nhượng quyền kinh doanh bưu cục tăng trưởng mạnh.
Thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ bình thường mới, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền bưu cục được đánh giá là xu hướng có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Anh Trần An Khương, chủ một bưu cục nhượng quyền tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi có dịp tiếp xúc với hoạt động giao nhận hàng hóa đã quyết định chuyển hướng đi từ công việc giáo viên sang đầu tư nhượng quyền bưu cục. "Từ lĩnh vực khác sang làm chuyển phát thì cũng không quá khó khăn nhưng chúng ta bắt buộc phải đầu tư. Thời gian đầu khi đi training tại tổng công ty thì có thể chưa hiểu hết nội dung truyền tải vì trong lúc vận hành thì vẫn có những khó khăn. Lúc đó chúng ta có thể hỏi trực tiếp người training hoặc tự mình suy nghĩ ra hướng giải quyết phù hợp với cái khu vực mình nhượng quyền", anh Khương chia sẻ.
Một số bưu cục nhượng quyền khác có thời gian hoạt động lâu hơn đang có mức phát triển khá nhanh nhờ áp dụng các chính sách chăm sóc khách hàng tốt. Anh Đoàn Anh Khuê, chủ một bưu cục nhượng quyền tại quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết, bưu cục ít bị ảnh hưởng trong giai đoạn dịch COVID-19, thêm các chương trình chăm sóc khách hàng như chiết khấu tiền, vàng gửi tặng khách hàng mỗi tháng mà đến nay bưu cục đang phát triển tốt. "Diện tích kho bãi tăng gấp bốn, xe tải tăng gấp đôi, nhân sự được 30 shipper. Trong thời gian đầu, bưu cục giao khoảng 700 đơn, lượng hàng lấy là 500 đơn. Đến thời điểm hiện tại đã tăng 1.700 đơn giao và gần 4.000 đơn lấy", anh Khuê cho biết.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính riêng 6 tháng đầu năm 2021: Thị trường chuyển phát nhanh đã đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2020, tổng lượng hàng đạt 590 triệu bưu phẩm. Các chuyên gia dự báo đến năm 2028, ngành sẽ đạt 1.655 triệu USD và tăng trưởng gần 12% so với hiện tại.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chuyển phát, mô hình nhượng quyền bưu chính tại Việt Nam là tiền đề tốt để các doanh nghiệp logistics có sự bứt phá trong năm 2022. Hiện nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh hình thức này trên phạm vi cả nước. "Tại khu vực nội thành những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, khu vực ngoại thành khoảng 800 triệu đồng. Tại các khu vực tỉnh lẻ thì vốn rơi vào khoảng 500-800 triệu đồng", anh Trần Văn Minh, Đại diện Công ty TNHH BEST Express cho biết. Với việc nhương quyền bưu cục tại các địa phương trên cả nước, người dân đều có thể đầu tư, nhượng quyền và phát triển, trở thành chủ doanh nghiệp và kinh doanh trên quê hương mình.
Đặc biệt, đối với loại hình nhượng quyền bưu cục, nhà đầu tư được chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ. Theo anh Phan Ngọc Sơn, đại diện Công ty Cổ phần Super Ship Việt Nam: "chúng tôi xây dựng sẵn 1 nền tảng công nghệ về quản lý giao hàng và sẽ chuyển giao công nghệ này để hướng dẫn các đối tác để có thể sử dụng, vận hành, quản lý".
Tuy nhiên, hình thức nhượng quyền bưu cục tại Việt Nam còn khá mới mẻ, nhiều nhà đầu tư còn bỡ ngỡ khi tiếp xúc, khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi thị trường chuyển phát trong nước có quá nhiều doanh nghiệp tham gia và một số ‘ông lớn’ nước ngoài, các bưu cục có quy mô nhỏ hơn lựa chọn biện pháp tăng chất lượng chăm sóc khách hàng để cạnh tranh.
Mô hình nhượng quyền bưu cục hiện đem lại nhiều lợi ích, từ thương hiệu mạnh, sức ảnh hưởng và uy tín từ công ty mẹ, tiếp đến là thừa hưởng tệp khách hàng có sẵn. Từ đó, các bưu cục nhượng quyền tăng hiệu suất vận hành, cắt giảm thời gian giao vận, tạo cơ hội tăng trưởng hoạt động kinh doanh và có tiềm năng phát triển trong tương lai.