Kinh Dịch: Chuẩn bị tốt ba điều để tương lai có thành tựu
Kinh Dịch là cuốn sách hàm chứa đạo lý sâu sắc, mỗi câu nói trong Kinh Dịch đều có ý khuyên răn con người cách đối nhân xử thế, thành tựu...
Xưa nay rất nhiều người khi nhắc đến Kinh Dịch đều cho rằng đó chỉ đơn thuần là cuốn sách về bói toán, đoán mệnh. Nhưng kỳ thực, Kinh Dịch còn là cuốn sách hàm chứa đạo lý làm người sâu sắc, mỗi câu nói trong Kinh Dịch đều có ý khuyên răn con người cách đối nhân xử thế, cách thành tựu đời người. Dưới đây là ba câu nói như vậy.
Nắm chắc thời cơ
Kinh Dịch viết: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thì nhi động” , ý nói người quân tử có tài năng giống như lợi khí nhưng thường ẩn tầng cất giấu, chờ thời cơ đến mới hành động. Một người muốn thành tựu được việc lớn thì trước hết phải biết nắm chắc thời cơ, nắm chắc cơ duyên.
Tài nghệ dẫu có lớn, đem dùng vào sai thời điểm thì cũng không thi triển ra được, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Mà thời thế phần lớn là khách quan, không phải do con người tạo ra, cơ duyên giống như “phù du” , đến và đi rất mau lẹ, ngắn ngủi. Do vậy người ta chỉ có thể làm tốt những điều có thể làm, chờ đợi và nắm chắc cơ hội.
Sự biến hóa là có quy luật, nó sẽ ở thời gian và điều kiện nhất định mà phát sinh. Một người am hiểu, nắm chắc được quy luật biến hóa sẽ có thể đoán được những sự tình sẽ xảy ra trong tương lai, từ đó mà ở những thời cơ khác nhau đưa ra lựa chọn tiến hay thoái. Quá trình chờ đợi thời cơ là quá trình không ngừng tích lũy năng lượng, trau dồi năng lực, tôi luyện đức tính.
Trong lịch sử, Gia Cát Lượng, Khương Tử Nha, Lưu Bá Ôn… đều có thể dùng tuệ nhãn mà quan sát thiên hạ, hợp thời mà tiến thoái. Ông nội và cha của Gia Cát Lượng đều làm quan ở vùng Kinh Châu. Sau khi cha mất, ngay khi còn trẻ tuổi, Gia Cát Lượng đã ở Kinh Châu giữ chức quan nhỏ. Về sau, Gia Cát Lượng thấy thiên hạ mỗi ngày một loạn nên từ quan về Long Trung ở ẩn. Long Trung cách Kinh Châu không xa.
Kinh Châu là nơi hiểm yếu, giao thông thuận lợi, sau này lại đúng là nơi giao nhau của ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Người ta nói Gia Cát Lượng về Long Trung không phải vì muốn làm ẩn sĩ cả đời mà chính là muốn chờ thời cơ mà xuất hiện.
Gia Cát Lượng hàng ngày ở Long Trung quan sát tình hình biến động trong thiên hạ để chờ thời. Ông cũng không vội vã rời núi khi thời cơ đến mà chờ đến khi gặp được chủ quân thích hợp. Tam Quốc Chí chép rằng tới khi Lưu Bị ba lần đến mời, Gia Cát Lượng mới xuất hiện, thi triển tài năng của mình.
Điều chỉnh tốt tâm thái
Trong Kinh Dịch có câu: “Nhạc thiên tri mệnh, cố bất ưu” , vui với mệnh trời cho nên không có gì phải ưu lo. Tâm một người nếu không yên, luôn lo âu thấp thỏm, dễ dàng bị xung động bởi ngoại cảnh thì sẽ luôn lo được lo mất, gặp việc nhỏ cũng rối loạn càng không thể nói đến việc lớn. Còn nếu tâm của một người là an định thì cho dù là sóng gió có nổi lên, núi non có sụp đổ ngay trước mắt thì họ vẫn có thể ổn định bất động.
Điều chỉnh tốt được tâm thái là điều vô cùng cần thiết để có thể thành tựu việc lớn. Hết thảy phiền não của một người đều do tâm mình sinh ra, còn hết thảy sự chín chắn thành thục đều do hướng vào bên trong tâm mình mà tìm. Người tu hành thời xưa cho rằng người có tâm cảnh thấp thì cải biến ngoại cảnh chứ không cải biến tâm, người có tâm cảnh cao cải biến tâm chứ không cải biến ngoại cảnh.
Người bình thường luôn để mắt đến ngoại cảnh, cảm thấy ngoại cảnh không tốt thì sẽ cố gắng thay đổi nó mà không bao giờ suy xét về vấn đề của bản thân. Người trí tuệ thì trái lại, hễ gặp chuyện họ sẽ trước hết tìm nguyên nhân ở tâm mình, quét dọn sạch những chướng ngại trong tâm mình nên họ không sợ chướng ngại bên ngoài mà tiến về phía trước.
Trong cuốn “Hàn Phi Tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng” có ghi chép lại việc Tề Cảnh Công xung động nóng vội mà làm hỏng việc như sau.
Thời Xuân Thu, Tề Cảnh Công là một vị quân chủ nổi danh, rất trọng dụng Yến Anh, phong Yến Anh làm tướng quốc. Một hôm, Tề Cảnh Công đang đi ngao du bên ngoài thì đột nhiên có quân lính đến báo rằng tướng quốc Yến Anh bị bệnh nguy cấp. Tề Cảnh Công giật mình hoảng sợ, vội vã trở về xem bệnh tình của Yến Anh ra sao. Vì muốn mau chóng trở về, Tề Cảnh Công ra lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị một xe ngựa và người điều khiển xe ngựa tốt nhất để lên đường.
Trên đường trở về thành, Tề Cảnh Công nóng vội như trong lòng đang có lửa đốt, xe ngựa mới đi mấy trăm bước ông đã bắt đầu than rằng người điều khiển xe ngựa đi quá chậm. Vì thế, ông tự cầm dây cương và chính mình điều khiển xe ngựa. Nhưng đi được mấy trăm bước, Tề Cảnh Công lại bắt đầu nổi trận lôi đình, chê rằng con ngựa ấy đi quá chậm chạp. Cuối cùng, ông nhảy xuống xe ngựa và chạy bộ, kết quả ông đã về muộn hơn một ngày so với xe ngựa.
Khi gặp sự tình cần giải quyết, điều quan trọng là có một tâm thái tĩnh lặng, dùng tâm thái bình tĩnh ôn hòa để làm việc. Dù phải nhanh tay đến mấy cũng không nên để tâm mình bị ảnh hưởng. Sự tỉnh táo sẽ khiến sự tình được hoàn thành một cách tốt nhất, có kết quả tốt nhất.
Biết nghĩ đến người khác
Trong Kinh Dịch có câu: “Dưỡng vật bất cùng, mạc quá hồ tỉnh” , nuôi dưỡng vạn vật mãi mà chẳng hết, không gì hơn là giếng nước. Giếng mang nước đến cho con người mà làm lợi vạn vật, ở chỗ thấp mà tạo phúc cho cuộc sống. Quẻ tỉnh trong Kinh Dịch ngụ ý là ban ơn cho người khác chính là một cách tuyệt vời để cải thiện chính bản thân mình, là cách để thành tựu người khác, thành tựu bản thân, và kết được nhiều thiện duyên tốt đẹp.
Con người sống trong xã hội, ai ai cũng không tách khỏi sự tác động hỗ trợ từ người khác. Cho dù chúng ta có năng lực lớn mạnh đến đâu, có trí tuệ cao bao nhiêu đi nữa thì mỗi người đều chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Còn sức mạnh của một cộng đồng thì luôn luôn lớn hơn rất nhiều. Khi mỗi cá nhân đều quan tâm giúp đỡ người khác, giống như trăm sông đổ về một bể thì mọi việc đều sẽ thông thuận.
Sách Luận Ngữ viết: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” , những gì mình muốn lập thì cũng nên lập cho người khác, những gì mình muốn đạt thì cũng nên cho người khác đạt được. Trên thế gian này không có thứ gì là tồn tại độc lập, không liên quan gì đến thứ khác, không dựa vào thứ khác. Hết thảy đều là có quan hệ tương hỗ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau mà tồn tại. Không có sự trợ giúp từ bên ngoài thì cho dù có nội lực cũng khó có thể có cơ hội để bay lên.
Danh tiếng triều nhà Thanh, Tả Tông Đường từng nói một đạo lý rằng: “Chọn chỗ cao mà đứng, chỗ bằng phẳng mà ngồi, chỗ rộng rãi mà đi”. “Chọn chỗ cao mà đứng” , ý nói làm người phải quảng đại, phải chính nghĩa, phải vị tha, nhảy ra khỏi cái vòng ích kỷ nhỏ hẹp. “Chọn chỗ bằng phẳng mà ngồi” , ngụ ý rằng làm người làm việc phải biết chú ý đến mọi mặt, bình đẳng hòa thuận chung sống với mọi người xung quanh mình. “Chọn chỗ rộng mà đi” chính là khi gặp chuyện thì nhường một bước, lưu một chút không gian cho người khác, đây cũng là cách để tránh cho tranh chấp xảy ra. Một người khi làm việc có thể nghĩ đến người khác thì tự nhiên cũng sẽ nhận được nhiều hồi báo tốt đẹp.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Vương Dương Minh: Bốn đạo lý thành tựu nhân duyên trong đời người
Mời xem video :