Kinh Dịch: Ba kiểu người sống mệt mỏi, kém may mắn

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 16:10:18

Trong 64 quẻ của Kinh Dịch ẩn chứa trí tuệ vô cùng tinh thâm của cổ nhân. Theo đó, số phận cuộc đời của một người là như thế nào, có phúc báo, may mắn hay thường xuyên gặp vận rủi, trắc trở cũng chịu ảnh hưởng từ hành vi của người ấy mà ra. Vậy người như thế nào thì sẽ sống kém may mắn, mệt mỏi và ưu sầu?


Khi nhắc đến Kinh Dịch, xưa nay nhiều người thường cho rằng đó chỉ đơn thuần là cuốn sách về bói toán, đoán mệnh. Nhưng kỳ thực, Kinh Dịch còn là cuốn sách hàm chứa đạo lý nhân sinh vô cùng sâu sắc.

(Ảnh minh họa: SantiPhotoSS, Shutterstock)

1. Người nghĩ quá nhiều


Trong “Dịch truyện. Hệ từ thượng” viết: “Dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng, dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu công” , ý tứ là mình đơn giản thì người khác dễ hiểu mình, mình đơn giản thì dễ có người theo, người ta dễ hiểu mình thì mình dễ có người thân, có người theo thì sẽ dễ lập được công lao.

Có rất nhiều khi, sống quá tỉnh táo lại dễ dàng sinh phiền não trong tâm, sống hồ đồ một chút, đơn giản một chút lại khoái hoạt thoải mái. Bởi vì những người sống quá tỉnh táo thường rất thực dụng và nghĩ nhiều đến được mất của bản thân, cho nên họ sống rất mệt mỏi. Người càng suy nghĩ đơn giản thì càng mang lại cảm giác chân thành và đáng tin cậy cho người khác. Như thế, họ dễ quảng giao và tìm được cơ hội trong cuộc đời.

Đại đạo chí giản, đời người cũng nên sống đơn giản. Đơn giản ở đây không hẳn là phải sống trong điều kiện vật chất bần cùng khốn khó mà là sự tự tại và đơn giản về tinh thần. Một người có những suy nghĩ đơn giản, chất phác cũng sẽ dễ dàng tìm được niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Trái lại, người nghĩ quá nhiều, quá phức tạp, suy đi tính lại thì sẽ rất khó đạt được sự thỏa mãn và thoải mái trong tâm.

2. Người cuồng vọng, không biết sợ


Trong “Kinh Dịch. Hệ từ thượng” viết: “Thiên thùy tượng, kiến cát hung, Thánh nhân tắc chi” , tức là Trời giáng xuống các hiện tượng báo trước điềm lành điềm dữ, chỉ có bậc thánh nhân mới có thể đoán được việc đó.

Trời đất có pháp tắc của trời đất, vạn vật cũng có pháp tắc của mình. Quy luật của Trời đất nhất định là cao hơn, thâm sâu hơn của vạn vật, chúng sinh. Bởi vậy, con người cần phải biết khiêm tốn, phải biết kính sợ Trời đất, quỷ thần và thiên nhiên.


Cổ ngữ nói: “Trời có phong cuồng tất sẽ có mưa, người cuồng vọng tất sẽ gặp họa” . Khi ở trong khốn cảnh cần phải ngẩng đầu bước tiếp, khi ở trong thuận cảnh phải nghĩ tới ngày gian nguy, khi thành công phải luôn nhắc nhở bản thân “thấp điệu” làm người, không khoa trương, ngạo mạn. Đó mới là cách sống của người trí tuệ.

Ngày nay có một số người điều gì cũng không sợ, không sợ Trời, không sợ Đất. Thực sự người như vậy rất nguy hiểm. Những người không điều ác nào là không dám làm đều là người không có tâm kính sợ. Người biết kính sợ mới có thể chỉnh tề, thuần nhất, mới không tùy tiện phóng túng bản thân. Khi trong tâm một người có kính sợ thì người ấy mới có thể tự ước thúc bản thân, chú trọng tu tâm dưỡng tính, không làm ra những sự tình thương thiên hại lý, nguy hại người khác. Vì thế, họ sống an tường, may mắn.

3. Người không biết đủ


Trong “Kinh Dịch. Lý quái” viết: “ Miễu năng thị, bả năng lí. Lí hổ vĩ, điệt nhân, hung. Vũ nhân vi vu đại quân” , ý nghĩa là thị lực của con mắt xuất hiện vấn đề rồi mà vẫn tự cho rằng có khả năng nhìn, lại còn càng muốn quan sát. Chân đã bị què rồi lại còn tự cho rằng có khả năng đi, lại còn càng muốn đi, kết quả là giẫm phải cái đuôi con hổ mà bị vây hãm trong nguy hiểm. Người dùng cái dũng của kẻ thất phu mà hành động thì cũng sẽ gặp nguy hiểm.

Đại ý của câu nói này nhằm khuyên bảo con người phải biết mình, biết năng lực và đức hạnh của mình từ đó mà đặt ra mục tiêu, đích đến. Nếu đức hạnh mỏng, năng lực yếu thì không nên mù quáng truy đuổi những thứ cao xa mà rơi vào nguy hiểm. Để làm được điều này thì phải có tâm biết đủ.


“Biết đủ thường vui” không phải là không có tâm muốn tiến lên mà là phải biết điểm dừng. Bởi vì tâm truy cầu mà không có tâm biết đủ chế ước, thì sẽ dễ dàng trở thành tâm tham lam. Con người một khi đã có tâm tham thì luôn muốn có được nhiều hơn nữa và sẽ sống vô cùng mệt mỏi.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Lão Tử: Đời người cần kịp thời trở về với “không”


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook